MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây xăng đóng cửa ở An Giang. Ngay sát Tết, thời điểm 2023 chứ không phải 2022. Ảnh: Thành Nhân

Lại “hết xăng”: Đến lúc không thể “đùa với nhà nước”

Anh Đào LDO | 21/01/2023 12:16

Dù Bộ Công Thương cam kết không để đứt gãy nguồn cung, thiếu xăng dầu dịp Tết, nhưng các cây xăng trên huyết mạch chẳng hạn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã bán theo “định mức”. Ở An Giang, cây xăng thậm chí đóng cửa.

Ghi nhận của phóng viên Lao Động trong 2 ngày 28 và 29 Tết âm lịch, các cây xăng dọc bên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc địa phận Hải Dương, Hưng Yên đang bán hết sức cầm chừng. Cụ thể, “định mức” mỗi ôtô chỉ bán 300 nghìn đồng tiền xăng, hoặc 500 nghìn đồng tiền dầu. Lý do được giải thích là “sắp hết”, vì “không nhập được”.

Tại An Giang, Lao Động cũng ghi nhận hiện tượng nhiều cây xăng dọc theo tuyến đường 956 từ thị trấn An Phú về thị trấn Long Bình (huyện An Phú), thậm chí đóng cửa.

Vậy là dù Lọc dầu Dung Quất đã vận hành đủ 100% công suất, dù Bộ Công Thương cam kết không để đứt gãy nguồn cung, không để thiếu xăng dầu dịp Tết... nhưng sự thật là đứt gãy, là thiếu vẫn xảy ra, dù cục bộ.

Diễn biến đáng chú ý là ngay trên đường công tác ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công điện yêu cầu không để đứt gãy, thiếu hụt cục bộ xăng dầu.

Công điện yêu cầu thực hiện trực 100% quân số lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hệ thống kinh doanh xăng dầu ở tất cả loại hình thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu: Cục QLTT các tỉnh, thành phố kiểm tra việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu cục bộ cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Lập biên bản và tiến hành xử lý ngay khi có dấu hiệu vi phạm, gian lận thương mại trong kinh doanh.

Những động thái rất kịp thời. Nhưng là với một tình trạng, một vấn đề đã tái diễn quá nhiều lần trong năm 2022. Và lần này, cũng không đơn thuần chỉ là việc “vận chuyển hơi chậm”.

Còn nhớ trong kết luận thanh tra xăng dầu, chính Bộ Công Thương cũng biết tình trạng một số thương nhân đầu mối không, hoặc nhập khẩu xăng dầu ít hơn mức tối thiểu, không đủ tổng nguồn tối thiểu được phân giao.

Và cũng rất rõ dấu hiệu của việc găm hàng chờ giá.

Có lẽ, đã đến lúc “giơ cao, quất mạnh cây gậy” là việc cương quyết thu hồi giấy phép. Chỉ có như vậy mới duy trì được kỷ cương, mới làm triệt để được tình trạng găm hàng, láo nháo trong nhập khẩu gây rối loạn thị trường.

Không thể để doanh nghiệp, cây xăng “đùa với nhà nước” được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn