MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm chủ thông tin là làm chủ được thị trường

Lê Thanh Phong LDO | 08/03/2024 11:29

Giá lúa gạo liên tục giảm, có những tác động bất lợi lên thị trường. Tuy nhiên, chuyện tăng giảm giá lúa gạo là bình thường, không có gì phải mất bình tĩnh. Rõ ràng, khi có biến động giảm, các đối tác cũng tạm ngưng mua để nghe ngóng thông tin thị trường, doanh nghiệp cũng vì thế phải “ngồi” quan sát động tĩnh.

Với kinh nghiệm của một nước xuất khẩu gạo lâu năm và thuộc hạng nhất nhì thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam biết được thời điểm mua gạo, kịp xuất khẩu sang các nước có nhu cầu. Nhưng để có được thông tin chính xác, phải được sự hỗ trợ từ các cơ quan của ngành Công Thương.

Làm chủ được thông tin là làm chủ được thị trường, bởi vì thông tin và dự báo chính xác sẽ giúp các doanh nghiệp chốt giá chốt hợp đồng với giá tốt nhất. Chỉ cần chốt giá sớm hay muộn có thể sẽ mất đi cơ hội có được giá xuất khẩu tốt. Xuất khẩu được giá tốt nhất không chỉ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, mà còn là lợi ích cho nông dân sản xuất lúa.

Theo thông tin từ thị trường xuất nhập khẩu gạo thế giới có được hiện nay, doanh nghiệp trong nước có cơ hội để xuất khẩu gạo đến các thị trường Indonesia, Philippines vì các nước này đều tăng lượng nhập khẩu. Cho nên, khả năng giá gạo giảm sâu là khó xảy ra, doanh nghiệp cũng không ngồi chờ lâu hơn để "câu" giá thấp.

Điều mà các doanh nghiệp phải làm là cạnh tranh được với doanh nghiệp các nước có thế mạnh xuất khẩu gạo. Xin đưa ra con số. Trong tháng 1.2024, Indonesia nhập khẩu 441.930 tấn, trong đó lượng gạo nhập từ Thái Lan là 237.640 tấn, từ Pakistan là 129.780 tấn, Myanmar 41.610 tấn, Việt Nam là 32.340 tấn; Campuchia 2.500 tấn. So sánh cho thấy, Việt Nam cách quá xa so với Thái Lan và Pakistan.

Nhưng xuất khẩu gạo không chỉ được đánh giá hiệu quả trên số lượng, mà là lợi nhuận doanh nghiệp và nông dân thu được. Muốn có lợi nhuận cao, cách duy nhất là nâng cao chất lượng hàng hóa, hạt gạo của từng năm phải ngon hơn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhiều quốc gia. Muốn mở rộng thị trường, có hai việc phải làm, một là có gạo ngon và hai là quảng bá tốt.

Được biết, An Giang triển khai đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một hoạt động mang tính chiến lược xuất khẩu gạo, hy vọng An Giang sẽ có được những tên tuổi mới nổi tiếng trên thế giới như ST25.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các địa phương khác của Đồng bằng sông Cửu Long không thể sở hữu những thương hiệu gạo tầm thế giới như Sóc Trăng?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn