MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu nhấn nút khai trương tại hệ thống e-Cabinet. Ảnh T.V

Làm nhưng không muốn ai kiểm tra, giám sát

ĐÀO TUẤN LDO | 26/06/2019 07:30

“Quan trọng nhất là phải vượt qua được tư tưởng trước nay chúng ta làm nhưng không muốn ai kiểm tra, giám sát”- Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói về chính phủ điện tử trong ngày Chính phủ khai trương e-Cabinet.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) hôm qua đã chính thức khai trương.

Một tình cờ thú vị: 25 thành viên Chính phủ đã biểu quyết “đồng ý” và 4 thành viên biểu quyết từ xa qua mạng một “nghị định 4.0”: Dự thảo nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, e-cabinet sẽ khiến giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp với mục tiêu đến hết năm 2019 sẽ trở thành Chính phủ không giấy tờ và giảm 30% thời gian họp so với các năm trước.

Các phiên họp của Chính phủ thường kéo dài từ 1,5 đến 2 ngày với lượng giấy tờ tài liệu ước tính hàng ngàn trang, vừa tốn kém kinh phí, vừa tốn kém thời gian, nhân sự chuẩn bị chưa kể tới những khó khăn trong việc quản lý, thu hồi sau phiên họp.

Với e-Cabinet, các thành viên Chính phủ có thể truy cập hồ sơ, tài liệu đưa ra quan điểm và thảo luận toàn bộ trên nền điện tử. Nhưng cái lợi, cái được ở e-Cabinet không chỉ là việc tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian vật chất mà là ở cái đích Chính phủ điện tử, trong thời đại “cách mạng 4.0” mà Chính phủ đang tiên phong.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhìn nhận cải cách này sẽ “thay đổi hẳn tư tưởng, tư duy, cách nghĩ và cách làm lâu nay”. Bởi với một cải cách đủ mạnh, thì nền điện tử với hệ thống giao tiếp điện tử nhanh gọn, thuận lợi sẽ thay thế cho việc “cứ phải gặp người dân, doanh nghiệp yêu cầu họ nộp hồ sơ, phải đi lại nhiều lần”.

Không ai muốn mất đặc quyền đặc lợi, không ai muốn từ chối “phong bì”, “cảm ơn”, “ban phát” trong một tình trạng tham nhũng vặt từng được cảnh báo rất nhiều lần. Và môi trường cho những tệ nạn, sách nhiễu ấy chính là điều mà Bộ trưởng Mai Tiến Dũng gọi là “thói quen”, là “cách thức gặp trực tiếp truyền thống” có thể liên quan đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lôi kéo lợi ích, vừa nguy hiểm, vừa tạo ra sức ỳ, những rào cản.

Không ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Dũng nhắc đến một ý: quan trọng nhất là phải vượt qua được tư tưởng trước nay chúng ta làm nhưng không muốn ai kiểm tra, giám sát.

E-Cabinet, vì thế, không chỉ là một “phòng họp điện tử”, đó còn là tính tiên phong là sự nêu gương.

E-Cabinet không chỉ là một hệ thống, nó là một giai đoạn của Chính phủ điện tử mà người hưởng lợi đầu tiên chính là nhân dân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn