MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm tốt ba việc đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng

Lê Thanh Phong LDO | 09/04/2024 07:22

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 5,66%, cao nhất cùng kỳ 4 năm trở lại đây, nhưng điều đó không có nghĩa là năm nay sẽ tăng trưởng tốt. Phải loại bỏ tâm lý chủ quan để làm việc trong tâm thế tập trung và sẵn sàng nhất để ứng biến với mọi biến động và rủi ro.

Sự chủ động của nền kinh tế đất nước là căn bản, nhưng không thể không bị ảnh hưởng bởi những biến động trên thế giới, từ xung đột, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai, suy thoái. Các quốc gia đều không thể dự liệu hết được chuyện gì sẽ xảy ra có thể tác động tiêu cực đến toàn cầu, Việt Nam cũng vậy thôi. Do đó, sự tập trung và sẵn sàng càng cao thì sẽ chủ động để giữ vững tăng trưởng, hạn chế rủi ro, nếu thuận lợi sẽ tăng trưởng cao, ngược lại cũng không bị tụt xuống thấp hơn mục tiêu đã đề ra.

Việc đầu tiên phải làm là triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương. Điểm nghẽn lớn nhất làm cản trở các dự án đầu tư công là bồi thường giải phóng mặt bằng, điều này cần nhiều quyết tâm, sáng kiến của lãnh đạo các địa phương trong xử lý tình huống. Không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, mọi công việc khác bị đình đốn.

Quan sát từ thực tế sẽ thấy rõ, tăng trưởng quý I/2024 một phần nhờ xuất khẩu, nhưng vai trò chủ yếu là cộng đồng doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp nào đóng góp cũng tốt, nhưng phải thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước. Tình trạng doanh nghiệp rời thị trường nhiều hơn số mới gia nhập là rất đáng lo ngại, cho thấy nhiều khó khăn cần tháo gỡ để thu hút người dân tham gia sản xuất, kinh doanh. Cùng với các doanh nghiệp FDI, cần thêm nhiều doanh nghiệp trong nước sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu, mở rộng thêm nhiều thị trường. Để làm được việc này, không chỉ là nỗ lực của doanh nghiệp, mà là sự hỗ trợ của chính sách phù hợp, tháo được các nút thắt, các bộ, ngành có chức năng xúc tiến thương mại phải thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình.

Nền kinh tế có sức sống hay không còn dựa vào sức tiêu dùng. Kích cầu du lịch nội địa, người dân đi du lịch nhiều sẽ tiêu xài nhiều, đó cũng cách tăng tiêu thụ hàng hóa sản phẩm. Các doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội, sản xuất ra sản phẩm chất lượng với giá cả phù hợp, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.

Thực hiện chiến lược phát triển đất nước không phải là hô to các khẩu hiệu, mà hành động để tạo ra giá trị cân đo đong đếm được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn