MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lãng phí quá trời đất

ANH ĐÀO LDO | 12/01/2019 06:22

Nêu cụ thể câu chuyện giao đất với các dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “Làm sao bây giờ không còn giao đất kiểu BT trước đây, lãng phí quá trời đất”. Và Thủ tướng đặt câu hỏi cho ngành tài nguyên và môi trường: “Cơ chế nào cho vấn đề này?”.

Vậy là người đứng đầu Chính phủ đã không bỏ ngoài tai những hoài nghi của dư luận. Từ những dấu hỏi quanh chuyện “đổi 100ha lấy 1,39km đường ở Bắc Ninh” hay dị nghị quanh con số 270ha đất ở Hà Nội cho 5 tuyến đường.

Không bỏ ngoài tai, không chỉ bằng những yêu cầu kiểm tra khi dư luận đặt vấn đề, và giờ đây Thủ tướng “đặt đề bài” cho ngành tài nguyên và môi trường để ít nhất tránh được tình trạng “lãng phí quá trời đất” trong việc giao đất BT như đã từng.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ từng nói rất thẳng về những “khoảng trống pháp lý”, những kẽ hở pháp luật khiến dự án BT trở thành những “mảnh đất” cho những cú bắt tay, cho sự trục lợi mà các nhóm lợi ích lợi dụng để trục lợi, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai.

Chẳng hạn ngay tại Nghị định 15 với việc cho phép đất đai trả cho nhà đầu tư được thực hiện ngay trong lúc đang triển khai xây dựng dự án hạ tầng cơ sở (HTCS). Trong khi về nguyên tắc, việc này chỉ được thực hiện sau khi công trình hạ tầng đã hoàn thành và được kiểm toán kỹ thuật, kiểm toán tài chính.

Hoặc việc định giá giá trị công trình HTCS và định giá khu đất để trả khiến việc “đổi đất lấy hạ tầng” không đảm bảo ngang giá… tạo ra trên thực tế “siêu lợi nhuận” cho nhà đầu tư nhờ chênh lệch địa tô cực lớn.

Chúng ta nhìn thấy những vô lý trong thực tế: Một đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài, nhà đầu tư bỏ hơn 700 tỉ đồng xây 5km. Đổi lại là hơn 197ha để nhà đầu tư xây dựng khu đô thị. Và giá đất, được tính 8,5 triệu đồng/m2 - đội gấp 5-7 lần sau khi xong tuyến đường. Chúng ta cũng biết rõ những khe hở, những khoảng trống pháp lý. Và giờ là lúc phải có sự tính đếm khi sự lãng phí, thậm chí trục lợi rất dễ để nhìn thấy, khi mà nguồn lực đất đai là có hạn.

BT gắn với chỉ định nhà đầu tư là một biện pháp phải nói là bất đắc dĩ trong tình hình ngân sách dành cho HTCS còn khó khăn khiến các địa phương khó cân đối nguồn vốn.

Nhưng để tránh lãng phí nguồn lực, có lẽ, đã đến lúc chỉ nên dành nguồn lực có hạn ấy cho những công trình hạ tầng thực sự dành cho phát triển, thay vì những công trình không thực sự cần thiết kiểu... công sở.

Giờ đã đến lúc chấn chỉnh, bắt đầu từ việc bịt kẽ hở, lấp khoảng trống trong các quy định. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn