MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang tiếp tục là 3 địa phương xếp cuối cùng cả nước về mức điểm trung bình thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: HN

Lãnh đạo Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La phải thấy xấu hổ

LÊ THANH PHONG LDO | 17/07/2019 07:30

Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình “đội sổ” kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019, đó là nội dung được đưa vào tiêu đề của nhiều bài báo ra hai hôm qua, thật đau cho những người làm giáo dục và lãnh đạo của các địa phương này.

Một kỳ thi đàng hoàng, minh bạch sẽ vạch hết những chân dung dối trá được che đậy bằng các loại mặt nạ trước đây. Năm nay, điểm thi thấp, tỉ lệ trượt tốt nghiệp tăng, đó là những gì ngược lại với kỳ thi năm ngoái, với những điểm số loang loáng mùi kim tiền.

Cả nước từng giật mình, trước khi bị phát hiện gian lận, các tỉnh này chiếm “ngôi đầu” trong danh sách những thí sinh có mức điểm từ 27 trở lên của cả nước.

Các vùng đất học như Nam Định, Hà Nam, Huế đều phải ngả nón cúi chào.

Nhưng năm nay, khi kim tiền không lọt được qua cửa trường thi, thì rất ít thí sinh nào của Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang được 27 điểm trở lên/3 môn. Chưa kể, điểm cực thấp quá nhiều, thật xấu hổ khi có sự so sánh với điểm thi năm trước. Khi những chiếc mặt nạ rơi lả tả, mới thấy lồ lộ những chân dung thật.

Kết quả của kỳ thi năm nay, thêm một lần tố cáo sự không trung thực của kỳ thi năm trước, và qua đó cũng phản ánh thực chất về chất lượng đào tào của 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Những người có trách nhiệm của các địa phương này có thấy xấu hổ hay không?

Xấu hổ vì căn bệnh thành tích ở địa phương mình là nặng nhất. Từ nhà trường đến phụ huynh, chạy theo điểm số mà quên đi chuyện học hành của con cái. Xấu hổ vì nhiều người dám tham gia vào đường dây gian lận thi cử, nhiều cán bộ vướng vòng lao lý, nhiều lãnh đạo của địa phương cũng có con được nâng điểm. Xấu hổ vì coi đồng tiền trọng hơn chữ nghĩa, hơn đạo đức xã hội, hơn bài học giáo dục làm người đàng hoàng tử tế cho con cái.

Nếu như không thấy đây là sự xấu hổ thì sẽ không bao giờ tạo dựng được cho quê hương trở thành một vùng đất học với đúng nghĩa “chân tài thực học”, không bao giờ có được những thế hệ trưởng thành bằng tài năng tích lũy cá nhân cùng với tâm hồn trong sáng.

Không có những con người tài đức, mà thay vào đó bằng lưu manh dối gian, sắp xếp ghế ngồi cho con cha cháu ông, gia đình dòng họ, thì không bao giờ quê hương giàu có.

Nếu cả nước đều như vậy, thì sẽ không bao giờ có được một đất nước hùng cường.

May thay, vẫn còn có nhiều vùng đất học. Ở đó thầy ra thầy, trò ra trò, học ra học, chơi ra chơi. Ở đó có nhiều bậc cha mẹ biết dưỡng nuôi con cái bằng sự trung thực và cái đức trọng chữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn