MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 70.000 tấn rác thải gây ô nhiễm ở Côn Đảo vẫn chưa có biện pháp để xử lý. Ảnh: Nguyên Dũng

Lãnh đạo thiếu tâm, thiếu tầm - sẽ có những núi rác

lê Thanh Phong LDO | 08/07/2020 07:06
Hơn 70.000 tấn tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, huyện Côn Đảo và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bất lực trước một núi rác. Bãi biển Bãi Nhát là bãi biển rất đẹp của Côn Đảo đã bị ảnh hưởng, vì cạnh bãi rác này. Sẽ đến lúc, Bãi Nhát cũng trở thành bãi rác.

Và không chỉ Bãi Nhát thành bãi rác, mà cả hòn đảo đẹp nổi tiếng của Việt Nam sẽ trở thành một đảo rác.

Vì sao vậy? Vì huyện Côn Đảo chỉ có 1 lò đốt rác công nghệ tại bãi rác này, nhưng công suất lò chỉ xử lý được khoảng 5 tấn rác/ngày. Trong lúc đó trên thực tế, mỗi ngày có khoảng 15-20 tấn rác thải. Mỗi ngày dư 10 tấn, chẳng bao lâu rác sẽ lấp đầy các bãi biển.

Thêm một điều đáng lo nữa, theo phóng viên Lao Động tác nghiệp trực tiếp và phản ánh trong bài “Hơn 70.000 tấn rác tồn đọng, Côn Đảo vẫn loay hoay xử lý”, thì từ ngoài biển, các loại rác thải như bịch nylon, chai nhựa, bao bì, xốp... thường xuyên được sóng xô vào đầy bờ. Các loại rác thải này do các ghe mực, ghe đánh bắt cá, tàu thuyền mưu sinh trên biển xả xuống...

Rác tấn công Côn Đảo, hậu quả là người dân sống trong môi trường ô nhiễm sẽ bị tổn hại sức khỏe, sẽ ôm nhiều loại bệnh tật. 

Môi trường ô nhiễm thì sẽ đến lúc du khách quay lưng với Côn Đảo, đó là hậu quả thứ hai. Thứ ba, nếu không quản lý tốt, để người dân xả rác xuống biển, sẽ đến lúc con cá con mực không sống nổi trong môi trường nước ô nhiễm của Côn Đảo.

Chuyện dưới biển đã kinh hoàng, việc trên núi còn kinh hoàng hơn.

Hôm qua, hàng nghìn tấn rác từ bãi Cam Ly tiếp tục sạt lở, nước thải bốc mùi hôi chảy vào nhà dân và vườn hoa màu. Đây là lần thứ hai trong một năm gần đây núi rác Cam Ly đổ xuống lùa vào khu dân cư.

Những người sống cạnh các núi rác này quá khổ sở, bệnh tật là chuyện đương nhiên, nhưng dời nhà đi đâu bây giờ? Hoa màu của nông dân canh tác quanh khu vực này bị rác lùa đi, ai sẽ bồi thường cho họ, người dân khổ sở chỉ biết kêu trời.

Để cho những núi rác này tồn tại là do lãnh đạo địa phương không có các giải pháp xử lý rác hiệu quả, chỉ biết chở đi đổ, lâu ngày thành núi. Họ không quan tâm về dọn rác, xử lý rác, thì hậu quả như hôm nay là đương nhiên.

Cho nên, có thể khẳng định, ở đâu lãnh đạo thiếu trách nhiệm, thiếu tầm nhìn, ở đó có những núi rác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn