MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (bìa phải) trong buổi gặp gỡ với người dân ngày 28.8. Ảnh: dongthap.gov.vn

Lãnh đạo tiếp dân, cần thực chất hơn là con số thống kê

Hoàng Văn Minh LDO | 13/10/2023 16:28

Đại biểu Quốc hội đề nghị công khai chủ tịch tỉnh, bộ trưởng ít tiếp dân như một hình thức phê bình.

Theo báo cáo của Ủy ban Pháp luật tại phiên họp cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạt 79%, các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đạt chỉ 45%.

Trong khi đó theo quy định tại Luật Tiếp công dân, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng. Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng và Chủ tịch UBND cấp xã phải trực tiếp tiếp công dân 1 ngày trong 1 tuần.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, công khai thông tin những đơn vị nào mà người đứng đầu không tiếp công dân, kể cả cấp tỉnh, kể cả Bộ trưởng, thủ trưởng các Bộ, ngành, báo cáo trước Quốc hội để Quốc hội rõ.

Đây là đề nghị thiết thực, cần được áp dụng, triển khai sớm. Bởi nói như đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trên Lao Động: "Nếu đưa được ra danh sách thì các tỉnh sẽ tự thấy ngại, họ sẽ cảm thấy tỉnh mình có hạn chế tiếp công dân. Khi động vào lòng tự trọng của họ thì họ mới phấn đấu hơn, có chuyển biến cho những năm tiếp theo”. Và xem đây như một hình thức phê bình công khai với dư luận.

Thật ra thì các con số thống kê 79% hay 45% đôi khi chưa phản ánh hết hiện trạng. Bởi thực tế có những địa phương tiếp dân rất hiệu quả như việc ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã công khai xin lỗi dân tại Trung tâm hành chính công là một ví dụ.

Nhưng cũng có không ít các địa phương, các chủ tịch tỉnh, thành – những người có quyền quyết định, thường ít quan tâm nên không trực tiếp tiếp công dân mà thường ủy quyền cho cấp phó, thậm chí giám đốc các sở - những người chỉ có nhiệm vụ nghe, ghi nhận để báo cáo lại chủ tịch.

Cho nên những cuộc tiếp dân như thế này không thực chất, chỉ tiếp cho có tiếp vì không giải quyết được vấn đề gì cả.

Cũng có trường hợp đích thân chủ tịch tỉnh, thành tiếp dân. Nhưng tính không thực chất lại nằm ở chỗ có nhiều vấn đề dân phản ánh rất nhiều lần, nhưng lần nào chủ tịch cũng hứa sẽ nghiên cứu, xem xét giải quyết hoặc sẽ chỉ đạo các sở ban ngành giải quyết nhưng cuối cùng chẳng có ai giải quyết cho dân.

Công khai các con số, công khai danh tính chủ tịch tỉnh, bộ trưởng ít tiếp dân như một hình thức phê bình trước dân là cần thiết. Nhưng thiết thực hơn cả là làm sao để những cuộc tiếp dân của chủ tịch tỉnh, bộ trưởng có thực chất, giải quyết được vấn đề dân đang vướng mắc chứ không chỉ tiếp dân cho có lệ, nghe xong rồi để đó rồi làm tròn con số trong báo cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn