MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quận Thanh Khê, Đà Nẵng kiểm tra liên ngành thường xuyên để phát hiện cơ sở thẩm mỹ hoạt động sai quy định. Ảnh: Công an Thanh Khê

Lao công căng da mặt, bác sĩ dỏm nâng ngực công khai tồn tại là do quản lý lỏng lẻo

Thanh Hải LDO | 29/10/2023 08:45

Vụ "bác sĩ dỏm" ở cơ sở thẩm mỹ nâng ngực và vụ lao công căng da mặt cho khách ở Đà Nẵng vừa được phát hiện từ việc kiểm tra của công an. Đáng báo động là các hoạt động dịch vụ này đều công khai, giao dịch với nhiều người tại các đô thị, nhưng không cấp quản lý chuyên ngành nào phát hiện.

Công an quận Thanh Khê, Đà Nẵng vừa kiểm tra cơ sở dịch vụ thẩm mỹ ID Korea (265-267 đường Hùng Vương), bắt quả tang nhân viên chỉ có bằng cấp 3 nhưng xưng bác sĩ, thực hiện thủ thuật nâng ngực cho khách.

Trước đó, hồi tháng 8.2023, công an đã bắt quả tang nhân viên lao công căng da mặt cho khách ở cơ sở thẩm mỹ Kangzin cũng tại quận Thanh Khê...

Đây quả là những thông tin giật gân, gây sốc. Tuy nhiên, nó lý giải cho rất nhiều trường hợp tai biến y khoa, dẫn đến dị tật, thậm chí tử vong khi làm đẹp, từng xảy ra nhiều địa phương cả nước.

Chỉ riêng Đà Nẵng đã có trên 500 cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, lồng ghép các dịch vụ như massage, spa… Nhưng mỗi năm, ngành y tế chỉ kiểm tra khoảng 50 cơ sở.

Bà Trần Thanh Thủy - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Đà Nẵng lý giải, hiện có 2 hình thức dịch vụ thẩm mỹ tồn tại là cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh, thực hiện danh mục kỹ thuật có phạm vi thẩm mỹ. Loại này đòi hỏi phải có cán bộ y tế. Tại Đà Nẵng chỉ có 30 cơ sở. Thứ 2 là dịch vụ thẩm mỹ, không yêu cầu có cán bộ y tế mà được thực hiện bộ hồ sơ tự công bố các dịch vụ thẩm mỹ. Loại này chiếm phần đông, rất khó kiểm soát.

Đây cũng là thực trạng lỏng lẻo trong quản lý, đang tồn tại phổ biến ở các địa phương cả nước, nhưng không phải người dân nào cũng biết.

Để cho cơ sở, doanh nghiệp tự công bố các dịch vụ, tự chịu trách nhiệm pháp luật trước những cam kết, điều kiện mà mình đã công bố là hình thức thông thoáng trong quản lý nhà nước. Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bớt đi được các "giấy phép con", đỡ nhiều thủ tục hành chính. Nhưng họ đã lợi dụng...

Cơ sở thẩm mỹ ID Korea vừa bị bắt quả tang bác sĩ dỏm cũng đã ký "cam kết tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động dịch vụ thẩm mỹ" với UBND quận Thanh Khê. Nhưng rõ ràng, chữ ký trên tờ cam kết với chính quyền không giá trị. Hồ sơ tự công bố dịch vụ của nhiều cơ sở thẩm mỹ không đáng tin cậy.

Những hành vi gian lận, dối khách hàng, qua mặt cơ quan quản lý, vi phạm tràn lan như vậy nhưng không thể cấm các hoạt động dịch vụ thẩm mỹ. Vấn đề là cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền cơ sở đã ở đâu cho đến khi công an xử lý vụ việc? Cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng dịch vụ, điều kiện kinh doanh không có nghĩa là cơ quan quản lý nhà nước đã hết trách nhiệm. Lẽ ra khi phát hiện kẽ hở, lổ hổng quản lý thì phải kiến nghị, tham mưu cho chính quyền xử lý.

Thực hiện thủ thuật bằng dao kéo, can thiệp vào cơ thể người để căng da mặt, nâng ngực... từ những đôi tay của lao công, của người có trình độ cấp 3 là đe dọa đến an toàn, tính mạng người dân, là hành vi đặc biệt nguy hiểm. Nhưng sau khi phát hiện chỉ xử phạt hành chính, đóng cửa thì không đủ răn đe.

Các địa phương phải "lấp" ngay lổ hổng quản lý này, không phải chờ đến khi dấu hiệu tội phạm rõ ràng, hậu quả xảy ra, công an vào cuộc thì mới kiểm tra, thanh tra...

Còn người dân, trước mắt phải tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình. Phải tự tìm hiểu kỹ các sản phẩm, dịch vụ trước khi sử dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn