MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài xế "thông chốt" CSGT ở Bắc Giang. Ảnh: Công an huyện Tân Yên

Lao ôtô vào cảnh sát giao thông để "thông chốt" có thể tước đoạt mạng người

Lê Thanh Phong LDO | 26/01/2024 16:49

Uống rượu bia, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, lao thẳng ôtô vào cảnh sát để "thông chốt", hành vi này có thể tước đoạt mạng người.

Người xem clip ôtô kéo lê môtô của cảnh sát giao thông tóe lửa trên đường ở Bắc Giang phải rùng mình kinh hãi, người lái xe quá liều lĩnh, coi thường sinh mạng của người khác.

Vụ việc xảy ra vào đêm 24.1.2024, tổ công tác của Công an huyện Tân Uyên (tỉnh Bắc giang) dừng kiểm tra một xe ôtô bán tải. Tài xế ôtô không chấp hành mà tăng ga vượt chốt kiểm tra, sau đó đâm vào xe môtô của cảnh sát và kéo lê trên đường.

Trưa hôm sau, Hà Quang Tùng đến Công an huyện Tân Yên trình diện. Tùng khai báo đã uống rượu (khoảng 5 chén vào buổi trưa cùng ngày gây ra vụ việc).

Trước đó, khoảng 20h ngày 21.1, tổ công tác của Đội CSGT - Trật tự Công an TP Vinh (tỉnh Nghệ An) ra tín hiệu dừng một ôtô nhưng tài xế không chấp hành mà quay đầu xe, chạy ngược chiều trên đường Trần Phú. Cảnh sát tiếp cận ra hiệu lệnh dừng phương tiện nhưng lái xe lao ôtô vào cán bộ đang đứng phía trước. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy, tài xế Đ vi phạm mức 0,399 mg/L khí thở.

Ngày 7.1, tại Hà Nội, một tài xế điều khiển ô tô chèn qua người Đại úy N.V.T để trốn kiểm tra nồng độ cồn. Đại úy T bị chấn thương sọ não.

Còn nhiều vụ lao ô tô, xe máy vào cảnh sát giao thông khi bị ra hiệu dừng xe để đo nồng độ cồn.

Những người lao xe vào cảnh sát giao thông, chưa kể là chống người thi hành công vụ, mà hành vi đó gây nguy hiểm đến tính mạng của cảnh sát. Hành động đã hoàn thành, người thực hiện có ý chí và năng lực, còn hậu quả gây chết người hay không còn tùy thuộc vào yếu tố khác. Ví dụ, đại úy N.V.T bị chấn thương sọ não là may mắn, nếu không có thể mất mạng.

Tại sao có nhiều người dám cả gan lao xe vào cảnh sát giao thông, rất dễ giải thích, vì đã có men trong người. Khi đó, máu "anh hùng rơm" nổi lên, coi trời bằng vung. Những người có men rượu bia không lao vào cảnh sát giao thông thì cũng phóng xe như điên, gây ra tai nạn. Đến khi tỉnh rượu mới thấy hậu quả, ân hận thì đã muộn.

Cho nên, những trường hợp uống rượu bia lái xe, phải phạt thẳng tay, không có chuyện du di, bất kể người vi phạm là ai, có chức vụ to. Đúng ra, người có chức vụ càng to thì phải chấp hành pháp luật càng nghiêm để làm gương.

Còn với những người lao xe vào cảnh sát giao thông, phải khởi tố hình sự nếu đủ căn cứ. Không phải đợi cảnh sát bị thương hay tử vong thì mới xử lý hình sự, mà hãy xem hành vi đó là cố tình gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác.

Chỉ có nghiêm trị bằng pháp luật mới dẹp được loạn ma men.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn