MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiền công đức từ tháng 3.2023 sẽ phải ghi sổ, gửi tài khoản ngân hàng. Ảnh minh hoạ: Mỹ Linh

Lấp lỗ hổng “Chùa BOT”

Đào Tuấn LDO | 03/02/2023 11:28

Bao nhiêu tiền đã được “đổ” vào chùa chiền, di tích, lễ hội? Chúng ta chưa bao giờ biết. Nhưng chỉ riêng chùa Hương, trong một mùa lễ hội từng cần tới 12 chiếc xe để chở 1.200 bao tải tiền lẻ.

Con số 1.200 bao tải tiền lẻ được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ với báo chí ngày 25.12.2013. Theo Phó Thống đốc, 1.200 bao tải tiền trị giá khoảng 22 tỉ đồng, phải cần đến 12 chiếc xe để chuyên chở. Mà 1.200 bao tải tiền lẻ này chỉ là ở riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Đức - nơi có chùa Hương, còn các ngân hàng khác nơi có các đền chùa như đền Hùng (Phú Thọ), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) nếu tổng hợp lại thì lượng tiền lẻ vô cùng lớn.

Ông Nguyễn Văn Hoạt, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức thời điểm năm 2018, cũng từng công khai số thu tại lễ hội chùa Hương năm 2018 vào khoảng 112 tỉ đồng, chưa kể tiền công đức, bởi “Theo pháp luật hiện hành thì không có điều luật nào quy định cho Nhà nước tham gia quản lý tiền công đức… Tiền trong khu vực nội tự của nhà chùa thì do nhà chùa quản lý”.

Với khoảng 58.000 di tích lớn nhỏ và 9.000 lễ hội, bao nhiêu tiền đã “đổ” vào đó mỗi năm?

Chúng ta chưa từng biết.

Và có lẽ, phải mở ngoặc đến hai chữ “Chùa BOT” mà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ đã dùng để chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, với câu hỏi: Có việc một số quan chức đóng cổ phần vào việc xây dựng "chùa BOT" để kiếm lời sau khi xây dựng không?!

Nguồn lực xã hội rất lớn, nhưng không hề được kiểm đếm, thống kê, nhưng chưa hề công khai minh bạch, để lại rất nhiều câu hỏi, nhiều dị nghị.

Người ta nói đúng: Đó là một lỗ hổng.

Bộ Tài chính, trong Thông tư 04 hướng dẫn quản lý thu chi tài chính cho công tác lễ hội và tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội... có vẻ đang muốn lấp đi cái lỗ hổng đó.

Bởi, Thông tư 04 chính là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về nguồn lực này.

Và cách đặt vấn đề, vừa khéo, rằng: Nhà nước không quản lý tiền công đức, tài trợ mà các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng... bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhà nước không quản lý, nhưng tiền đó phải công khai. Bằng việc mở tài khoản để phản ánh việc tiếp nhận. Bằng cách mở sổ ghi chép, thực hiện kiểm đếm đối với các khoản tiền mặt. Và bằng quy định tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì phải gửi vào tài khoản để bảo đảm an toàn, minh bạch.

Chúng ta không “thế tục hoá” tiền công đức, nhưng đó là tiền bạc, dẫu là nguồn xã hội hoá thì cũng phải công khai minh bạch chứ không thể tù mù mãi được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn