MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu đường Lê Lợi được lắp mái che khung sắt dựng trần lợp tôn không hiểu nó sẽ ra sao, sẽ như thế nào?! Ảnh: Chân Phúc

Lắp mái che cho… vỉa hè

Anh Đào LDO | 26/03/2023 21:33

Hồi vỉa hè vỡ nát bị đổ lỗi cho… mưa, người dân đùa nhau rằng: Có khi phải lợp mái cho vỉa hè. Nhưng giờ, chuyện không hề đùa là đường Lê Lợi ở TP HCM đang được đề xuất lắp mái che kết cấu khung sắt, lợp tôn.

Không! Các bạn không đọc nhầm đâu. Cũng không hề là chuyện đùa. Hẳn là đề xuất của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, đã được gửi lên UBND TP HCM, trong cái gọi là giải pháp cải tạo cảnh quan đường Lê Lợi sau khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) hoàn trả mặt bằng.

Theo đề xuất thì mái che, với kết cấu khung sắt, đóng trần và lợp tôn, vươn ra ngoài khoảng 4m, sẽ được lắp dọc vỉa hè tuyến đường Lê Lợi. Sở Quy hoạch và kiến trúc cho rằng: Giải pháp thiết kế mái che, với kinh phí thực hiện ước tính 20-30 tỉ đồng, sẽ giúp chống nắng mưa, tạo không gian đi bộ cũng như tạo điều kiện kinh doanh dọc hai bên đường Lê Lợi.

Đường Lê Lợi, như một ví dụ điển hình về xung đột giữa phát triển và gìn giữ thiên nhiên. Với chiều dài khoảng 1 km từ Nhà hát Lớn Thành phố (đường Đồng Khởi) đến chợ Bến Thành, đây là một trong các tuyến phố thương mại, dịch vụ sầm uất bậc nhất trung tâm TP HCM. Đường Lê Lợi trước đây rợp bóng cây xanh cả hai bên đường. Nhưng khi Thành phố làm tuyến Metro số 1, một bên đường Lê Lợi đã phải đốn hạ toàn bộ cây xanh.

Và giờ, thì đến đề xuất lắp mái che khung sắt đóng trần lợp tôn.

Che nắng che mưa thì đúng rồi. Nhưng không thể tưởng tượng được con đường dưới mái tôn sẽ nóng bức, ngột ngạt khủng khiếp đến thế nào.

Có thể, hiện trạng đường Lê Lợi chưa thể ngày một ngày hai bố trí được ngay mảng cây cối và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước đây. Nhưng trồng cây, chẳng hạn với những cây tương đối trưởng thành, cũng đâu mất nhiều thời gian, tiền bạc để “trả lại bóng mát” cho con đường. Mà không phải nói đâu xa, ở Hà Nội, sau khi hoàn thành tuyến đường sắt trên cao, thậm chí cây xanh đã được trồng lại dưới gầm đường dọc các tuyến phố Hoàng Cầu, Yên Lãng như một cách trả lại thiên nhiên.

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP HCM đến 2025 được Thủ tướng phê duyệt, chỉ tiêu cây xanh sẽ phải đạt khoảng 6,3 m2/người.

Nhưng trên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, một chuyên gia từng tính toán với tốc độ đầu tư, phát triển cây xanh như hiện nay, muốn phủ xanh 10.000 ha đất công viên, TP HCM phải mất ít nhất... 6.500 năm.

Điều này chỉ có thể thay đổi khi có sự thay đổi ngay trong tư duy những người làm chính sách. Rằng chặt hạ một cái cây phải ít nhất trồng bù 1 cái cây. Huống chi khu phố thương mại đi bộ thân thiện, hiện đại đâu có nhất thiết là phải lợp mái tôn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn