MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh đốt vàng mã nghi ngút, để gửi đồ đạc xuống “cõi âm”. Ảnh minh họa: Hải Đăng

Lễ hội trái thuần phong mỹ tục, không chỉ “giám sát” mà cần được loại bỏ

Hoàng Văn Minh LDO | 14/02/2024 13:49

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương giám sát chặt lễ hội đông người, loại bỏ hoặc thay thế tập tục không phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) gửi văn bản đến các địa phương đề nghị không để dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ trục lợi; không để xảy ra các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục tại các lễ hội.

Các lễ hội lớn đông người cần tập trung giám sát chặt là hội phết Hiền Quan và cầu trâu (Phú Thọ); lễ hội đúc Bụt, cướp phết, chọi trâu (Vĩnh Phúc); chùa Hương, đền Sóc (Hà Nội); khai ấn đền Trần (Nam Định); chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng).

Trước đó hồi cuối tháng 1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu chủ tịch các tỉnh, thành không để xảy ra mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, cúng oan gia trái chủ tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Hoạt động tín ngưỡng biến tướng, lệch chuẩn, trục lợi phải bị xử lý.

Trong lĩnh vực văn hóa ở ta, một trong những hoạt động nhiều về số lượng có lẽ là lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán. Nhiều địa phương, ví như Nam Định, trong dịp Tết cổ truyền có đến 100 lễ hội các loại được tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch.

Ngoài các lễ hội có truyền thống lâu đời, nhiều địa phương trong cả nước nhiều năm gần đây có “sáng tạo” ra nhiều lễ hội mới, phần lớn là lễ hội có yếu tố tâm linh để thu hút người dân và du khách, ví dụ như lễ hội Huyền Trân công chúa ở Thừa Thiên Huế.

Đáng nói là ngoài truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc thì bao nhiêu năm nay, các lễ hội xuân của chúng ta là mảnh đất màu mỡ để các hoạt động mê tín dị đoan “trăm hoa đua nở”.

Phổ biến nhất là hoạt động đốt đồ mã, vàng mã, nhét tiền lẻ lên tượng Phật, Thánh; tranh giành, giẫm đạp lên nhau để cướp lộc cầu may; rồi hầu đồng biến tướng, xem bói, đoán tướng, cúng sao giải hạn...

Điều này khiến ranh giới giữa chánh tín, giữa thực hành tôn giáo, tín ngưỡng với mê tín dị đoan trong cộng đồng có lúc, có nơi mong manh đến mức không thể nào phân biệt được.

Mặc dù luật (Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo và Bộ luật Hình sự năm 2015) đã quy định rất rõ các mức phạt tiền đến phạt tù các hành vi liên quan đến mê tín dị đoan.

Tuy nhiên, thực tế thì luật vẫn chưa đi vào cuộc sống, các hoạt động buôn thần bán thánh, phi văn hóa, phi chánh tín trong các lễ hội vẫn đã và đang tồn tại do “hiệu quả” về kinh tế của nó được “tiếp tay” bởi sự thiếu hiểu biết, mê muội của một bộ phận không nhỏ người dân, bất chấp sự nỗ lực vào cuộc của cơ quan chức năng các địa phương.

Bởi vậy, việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đến hẹn lại phát văn bản yêu cầu các địa phương giám sát chặt lễ hội đông người, loại bỏ hoặc thay thế tập tục không phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển trong dịp Tết Nguyên đán là cần thiết.

Nhưng để hiệu quả hơn nữa, thì Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các địa phương, phải mạnh tay hơn nữa bằng những “chiến dịch” bài bản, cụ thể ngoài việc “giám sát”. Việc "loại bỏ hoặc thay thế tập tục không phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển" phải được làm mạnh mẽ thực chất.

Cuối cùng thì hãy cứ theo luật mà xử lý thật nghiêm, song song với việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn