MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cặp linh vật rồng nhận được nhiều lời khen ở Huế. Ảnh: Phúc Đạt

Linh vật rồng, trước hết phải là biểu tượng của mùa xuân và thịnh vượng

Hoàng Văn Minh LDO | 04/02/2024 15:05

Công ty Cổ phần Công viên cây xanh thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã chỉnh sửa lại một số chi tiết của cặp linh vật rồng sau khi bị chê là nhìn “lúc giống rắn, lúc giống lươn”.

Cũng không chỉ mỗi cặp linh vật rồng ở Nghệ An mà còn có nhiều linh vật rồng của nhiều địa phương khác như ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa hay ở Quảng Ngãi… nhận được nhiều ý kiến trái chiều, chê nhiều hơn khen sau khi ra mắt.

Thậm chí, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thanh Hóa còn “vào cuộc” kiểm tra sau khi có rất nhiều ý kiến chê 4 linh vật rồng ở huyện Quảng Xương là “rồng lạ”, còi cọc, thiếu sự uy nghi, đặc biệt phần đuôi rồng giống đuôi con cá hố…

Đến thời điểm này, gần như tất cả linh vật rồng ở các địa phương đều đã “trình làng”. Và thực tế cho thấy, có rất nhiều linh vật rồng gây ấn tượng mạnh với người xem, nhận được nhiều lời khen ngợi như linh vật rồng ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Phú Yên…

Nhưng cũng có rất nhiều linh vật rộng, nói như nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Dương Văn Sáu trên Báo Lao Động là “thiết kế cho có lệ”, kiểu họ có rồng thì mình cũng phải có một con rồng.

Theo PGS. TS Dương Văn Sáu, rồng là biểu tượng cho quyền lực, thịnh vượng và sự sống, cho nên dù hình dáng nào, chất liệu kích thước ra sao thì việc thiết kế, tạo hình linh vật rồng phải đảm bảo tính chân thiện mĩ như truyền thống vốn có.

Vẫn biết trong 12 con giáp, rồng là linh vật duy nhất không có thật, là do tưởng tượng mà ra. Đã thế, tưởng tượng về rồng (chỉ nói riêng về phương Đông) mỗi quốc gia, mỗi thời kỳ lại có sự khác nhau rất cơ bản.

Bởi vậy trong thực tế, rồng Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… không con nào giống con nào. Và ngay cả trong nước thì rồng triều Lý khác rồng triều Lê, rồng triều Lê không giống rồng triều Nguyễn.

Là chưa nói đến việc có cả “rồng lai” giữa Việt Nam và Trung Hoa như thường thấy trên đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn.

Rồi rồng cung đình thì không giống rồng trong dân gian. Rồng của vua khác rồng của hoàng tử và quan lại… Bây giờ lại còn có thêm rồng truyện tranh, rồng đồ họa, rồng AI… muôn hình vạn trạng.

Cho nên mọi sự khen chê đối với một linh vật rồng cụ thể chỉ có tính tương đối. Và một con rồng được cho là đẹp hay xấu còn tùy thuộc vào việc so sánh, đối chiếu với con rồng nào trong lịch sử. Tùy thuộc vào “đề bài” cụ thể của lãnh đạo từng địa phương, tay nghề, văn hóa của người thiết kế cũng như từng người thợ chế tác…

Nhưng trên tất cả, người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng cùng có chung một quan niệm: Ngoài biểu tượng quyền lực, linh vật rồng còn là biểu tượng của mùa xuân, của sự thức dậy, sinh sôi và nảy nở; cho sự tiến bộ, sung túc, thịnh vượng…

Vậy nên linh vật rồng, trước hết từ ý tưởng, thiết kế, tạo hình… phải cho ra được chất xuân, niềm hứng khởi, sự nảy nở, sung túc…

Mùa xuân, năm mới, vận hội mới mà linh vật của “tỉnh ta”, “thành phố ta” khắp nơi ai cũng chê "xấu tệ", đã thế nhìn lại còi cọc, ốm yếu như thiếu ăn, lúc nhìn giống con rắn, lúc lại nhìn như con lươn… thì đúng là cảm giác có chút nghèn nghẹn, khó mà nuốt trôi!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn