MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng đoàn xe vận tải tắc cứng ở Đắk Nông do chờ trình "giấy thông hành" hoặc test nhanh âm tính với COVID-19. Ảnh: P.H

Lo lắng “đứt gãy” chuỗi cung ứng

Trung Hiếu LDO | 14/07/2021 12:07
Những ngày qua, doanh nghiệp vận tải hàng hoá căng như dây đàn vì yêu cầu ra - vào hầu hết các địa phương đều cần phải có “Giấy thông hành”, test âm tính COVID-19 giá trị 3 ngày, thậm chí một số tỉnh giờ rút xuống 1 ngày. Trước sự cứng nhắc của nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ diễn ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, nếu tình trạng này không có cách giải quyết linh hoạt hơn…

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam & Hiệp hội Doanh nghiệp hàng quá cảnh Lạng Sơn – ASEAN cho biết, có tình trạng lái xe chạy 1 ngày, về bị địa phương cách ly đến 14 ngày. Nhiều lái xe sinh tâm lý e ngại mà bỏ việc hàng loạt.

Phía Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistic VN băn khoăn: “Có nhất thiết phải cực đoan vậy không? Và hàng hoá xuất nhập khẩu sẽ được vận chuyển đi khắp nơi trong cả nước như thế nào? Không có bất kỳ công ty vận tải nào đủ số lượng tài xế để chạy 1 chuyến, “nằm” 14 ngày !".

Ngoài ra, về hiệu lực kiểm tra COVID-19 khi đi đường, nhiều địa phương cho phép là 3 ngày, nhưng đi test mất nửa ngày; việc đi, về thậm chí một chuyến hàng từ Nam ra Bắc (hoặc ngược lại) mất cả tuần. Nếu thi hành triệt để thì tài xế ít nhất phải hai lần test nhanh COVID-19 trên đường vận chuyển. Chi phí test nhanh COVID-19 các công ty vận tải đang phải chịu và buộc phải tính vào giá thành.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam đã có kiến nghị khẩn gửi đến Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế cùng một số bộ, địa phương để trình bày về giải pháp nhằm, đảm bảo phòng chống dịch mà vẫn duy trì được lực lượng vận tải hàng hoá, nếu không, chuỗi vận tải đứt gãy, dẫn tới chuỗi hàng hoá đứt gãy, hậu quả sẽ căng không kém ảnh hưởng trực tiếp của dịch.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp đề xuất cần sớm tiêm vaccine cho tài xế, nhân viên xuất khẩu tại các cảng, nhân viên logistic, đội bốc vác kho, do phải tiếp xúc nhiều. Hiện ước có khoảng 800 ngàn lái xe thuộc các hiệp hội vận tải tham gia trong chuỗi cung ứng. TP Hồ Chí Minh đã ưu tiên cho nhóm này.

Ngoài ra, dọc đường, lập các trạm nghỉ dành riêng cho tài xế. Tại các trạm này có kiểm dịch, 5K để kịp thời phát hiện người mắc, nhiễm SARS-CoV-2, nhằm hạn chế tối đa lây cho đồng nghiệp.

Hơn hết, tại điểm nhận hàng cũng nên có phòng riêng cho đội ngũ lái phụ xe; đội khử khuẩn y tế và mở, tăng cường các thủ tục, quy trình giao nhận theo công nghệ 4.0 nhằm hạn chế tối đa sự tiếp xúc gần giữa nhân viên tại chỗ với tài xế… Và cuối cùng là triệt để áp dụng 5K ở bất kỳ địa điểm nào.

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, lan rộng và chưa từng có tiền lệ thì có thể có hiện tượng “rối” trong công tác điều hành giữa trung ương với địa phương (và cả các địa phương lẫn nhau). Vì vậy cần sớm phát hiện, nhanh chóng lấp đầy các khoảng hở trong các biện pháp phòng chống đại dịch, nhằm bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa chống dịch thành công, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, mà ngành logistic là một trong những mắt xích quan trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn