MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự hoảng loạn hiển hiện trên mặt người phụ nữ bị cho là bắt cóc trẻ em. Ảnh: LĐO

Loại bỏ lối hành xử mông muội

LÊ THANH PHONG LDO | 25/07/2017 06:34
Trên các kênh thông tin dày đặc hình ảnh hai người phụ nữ bị đánh hội đồng vì bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn, Hà Nội. Hai con người lương thiện đột nhiên trở thành “tội phạm”, một tập thể dân làng tự cho mình là hội đồng xét xử và cả quyền thi hành án.

Án phạt là một trận đòn thừa sống thiếu chết.

Trước đó, tại Hải Dương, hai người đàn ông bị đuổi đánh và bị đốt cháy xe ôtô vì bị nghi bắt cóc trẻ em. Trước đó nữa, tại Quảng Bình, hai người đàn ông bị đánh hội đồng thương tích nặng nề, cũng vì bị dân làng kết tội danh tương tự. Theo công an địa phương, bước đầu xác định thông tin hai người đàn ông này bắt cóc trẻ em là chưa chính xác.

Thử đặt mình vào trường hợp của những nạn nhân, sẽ thấy họ không chỉ đau đớn về thể xác, mà còn bị tổn thương tinh thần rất dữ dội. Bỗng dưng bị mọi người xông vào đánh, bị kết tội và không cho “bào chữa”. Các nạn nhân van xin hết mực, nhưng không ai nghe, không ai can ngăn, họ không còn có cách tự vệ nào khác ngoài chịu trận. Giả sử như nghi ngờ những người này bắt cóc trẻ em, người dân có thể bắt giữ, đưa đến công an. Pháp luật sẽ phân xử, nghi can có quyền tự được bào chữa, nếu như bị kết án thì họ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Xã hội văn minh không thể tồn tại cách “xử án” mông muội tăm tối như vậy.

Thử đặt ra tình huống nạn nhân bị đánh chết, sẽ rất khó truy cứu trách nhiệm hình sự kẻ gây án. Hàng trăm người xông vào đánh, mỗi người một đá, một đạp, biết ai để kết tội kẻ thủ ác. Trao đổi với Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hành vi gây thương tích cho người khác, tùy theo tính chất mức độ hành vi có thể bị xử lý hình sự, tuy nhiên trong những trường hợp đánh hội đồng, không thể khởi tố cả một tập thể gây ra hành vi này. Có lẽ người ta đã dựa vào kẽ hở này để tham gia đánh hội đồng, như những vụ đánh hội đồng người trộm chó đến chết.

Căn nguyên từ đâu con người có thể trở thành hung hãn đến như vậy? Thật không dễ dàng trả lời câu hỏi này. Con người VN vốn có truyền thống thương người, có tấm lòng nhân hậu, nhưng những vụ việc trên cho thấy có một bộ phận người dân không được như vậy. Trước khi bàn đến các vấn đề đạo đức xã hội, phải sử dụng quyền uy của pháp luật. Những kẻ tham gia đánh người phải bị xử lý, nếu pháp luật bất lực thì sẽ còn nhiều vụ tương tự xảy ra.

Không ai có quyền kết tội và định đoạt mạng sống người khác trừ pháp luật.

Xã hội văn minh không thể để tồn tại lối hành xử như vậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn