MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thanh tra Lọc hoá dầu Nghi Sơn khi nó được xác định là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu. Ảnh: Xuân Hùng

Lọc hoá dầu Nghi Sơn phải bù giá 15.727 tỉ đồng: Chịu đựng đến hạn

Đào Tuấn LDO | 12/11/2022 12:23

Trong lúc nước sôi lửa bỏng nhất, Lọc hoá dầu Nghi Sơn không hề có kế hoạch gì về việc giao xăng dầu tháng 4 và 5. Số liệu cho thấy, năm 2023, chúng ta sẽ phải bù giá khoảng 15.727 tỉ đồng cho Nghi Sơn.

Chúng ta là ai?

Chúng ta là Ngân sách nhà nước. Chúng ta là thuế của dân.

Năm 2020, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có kiến nghị về việc “hạn chế tối đa”, thậm chí “cấm” nhập khẩu xăng dầu. Nguyên do: Vì các công ty lọc hoá dầu trong nước, trong đó có Nghi Sơn đang... ế.

Tổng lượng nhập xăng dầu 2 tháng đầu năm 2020 khi đó là 1,3 triệu tấn, chiếm 39% tổng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Trong khi tồn kho tại Dung Quất và Nghi Sơn luôn cao chót vót. Thậm chí, tại một số thời điểm, tồn kho xăng ở mức trên 90%.

Phải nói là quá ưu đãi.

Ưu đãi từ chính thoả thuận để Nghi Sơn không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen... ).

Ưu đãi đến mức, theo thỏa thuận, trong 10 năm, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN có trách nhiệm bù cho Nghi Sơn số tiền chênh lệch.

Chính PVN tính toán, với riêng một thoả thuận này, số tiền phải bù cho Nghi Sơn ít nhất cũng tới 75.000 tỉ đồng.

Rồi tháng 4 năm nay, khi xăng dầu trong nước ở vào tình trạng nước sôi lửa bỏng, Nghi Sơn “chưa có bất cứ cam kết nào về việc cung ứng hàng trong thời gian tới”- khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ.

Đẻ ra một Nghi Sơn, chiếm 35% nguồn cung xăng dầu trong nước, với lý do là để chủ động nguồn cung, phải bù rất lớn. Khi “nó” khó thì thậm chí muốn “cấm nhập” để giải toả tồn kho cho nó. Nhưng rồi đến khi “nhà có việc”, Nghi Sơn nói trắng ra là mặc kệ.

Hôm qua (11.11), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định sẽ thanh tra Nghi Sơn. Bởi giám sát bước đầu cho thấy, Nghi Sơn là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trong năm 2022 vừa qua, trong khi dự án đang được hưởng những ưu đãi lớn, nhất là về cơ chế bao tiêu.

Và bởi, những tính toán cho thấy, năm 2023 sẽ phải bù giá cho dự án này tới 15.727 tỉ đồng.

Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn. Và quyết định thanh tra là không cần phải bàn cãi nữa. Bởi trong mắt dân, hàng chục nghìn tỉ phải bù là thuế, là mồ hôi nước mắt không thể lãng phí vô lý như thế được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn