MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lời cảnh báo từ “hỏa ngục khổng lồ” thiêu nửa tỉ động vật

Lê Thanh Phong LDO | 06/01/2020 12:24

Báo chí Australia đã dùng những cụm từ “hỏa ngục khổng lồ”, “bom nguyên tử” để mô tả về những trận cháy rừng khủng khiếp đang diễn ra trên cả nước.

Không là hỏa ngục sao được khi hàng vạn hécta rừng bị cháy trụi, và thật đau đớn, khoảng 480 triệu động vật đã chết do cháy rừng ở Australia từ tháng 9.2019 đến nay, chỉ tính riêng ở bang New South Wales. Thế giới bàng hoàng trước thảm họa cháy rừng ở Australia, và cả thế giới lên tiếng cầu nguyện “trời đổ mưa xuống” trên đất nước chuột túi.

Sau quả ‘bom nguyên tử” này, nước Australia sẽ tổn hao nguồn lực ghê gớm, sẽ rất mất thời gian để hồi phục lại những cánh rừng, những loài động vật đã mất đi. Lấy lại sự cân bằng tự nhiên không phải một vài năm, mà là nhiều năm, trên cơ sở khoa học và sự tích cực của con người.

Khi một thảm họa xảy ra, do thiên tai hay nhân tai, nhân loại tỉnh thức để sám hối về chính hành vi của mình. Chúng ta ứng xử với thiên nhiên như thế nào thì nhận lại những ứng xử như vậy, và phải trả thêm cái giá của sự sai lầm.

Phá rừng dẫn đến lũ lụt, hạn hán. Hạn hán lại là một trong những nguyên nhân cháy rừng. Con người cứ lẩn quẩn trong cái vòng “thiên tai - nhân tai” đó, nhưng vẫn không chịu thay đổi thái độ ứng xử của mình với thiên nhiên. Môi trường sống của con người không có biên giới, cháy rừng ở Australia sẽ ảnh hưởng đến cả quả địa cầu, và tương tự, môi trường bị hủy hoại ở đâu đó cũng ảnh hưởng tới nước Australia. Vì vậy, mỗi quốc gia tự bảo vệ môi trường tốt là lập hàng rào phòng thủ chung cho trái đất trước các thảm họa đến từ thiên nhiên.

Mùa hè vừa qua Việt Nam xảy ra cháy rừng ở nhiều địa phương, từ Khánh Hòa, Phú Yên,  Ninh Thuận, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh... Rừng Việt Nam bị tàn phá quá nhiều, xảy ra thêm hỏa hoạn, thử hỏi còn được bao nhiêu “mét” rừng. Và sau cháy rừng là ngập lụt, quy luật của tự nhiên là vậy, không còn rừng để chặn bớt nước thì không đê điều nào mà chịu nổi thác lũ. Các trận ngập lụt của nhiều địa phương, kể cả miền núi như Buôn Ma Thuột, Lâm Đồng... cho thấy sự mất cân bằng sinh thái khi rừng tự nhiên mất đi đã để lại hậu quả vô lường. Nhưng hằng ngày, tin lâm tặc phá rừng vẫn xuất hiện trên báo, thậm chí còn có những dòng tin lâm tặc tấn công kiểm lâm. Chúng ta đang tự hủy hoại đất nước vì những hành động tiêu cực.

Chủ tịch các địa phương để cho rừng bị phá phải chịu trách nhiệm, nhưng không ai mất chức vì rừng bị phá.

Không chỉ giữ rừng, mà phải đi trồng rừng, băng bó những vết thương trong tự nhiên trước khi quá muộn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn