MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Bình Nguyên Ảnh: Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương

Lời cảnh tỉnh về thảm họa môi trường từ lá thư của Nguyễn Bình Nguyên

Lê Thanh Phong LDO | 12/05/2022 12:05

Nguyễn Bình Nguyên, lớp 9A1, THCS Nguyễn Tri Phương, giành giải nhất UPU với bức thư gửi nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, vượt qua gần một triệu bài thi khác.

"Hãy để gió hát ca giữa rừng xanh. Rừng không phải để chặt phá!

Hãy để gió đùa vui với sóng biển. Biển không phải để xả rác hay chôn giấu nguồn nước thải.

Hãy để gió sải cánh giữa không gian. Không gian không phải để xe cộ, ống khói túa ra nguồn khí cặn.

Hãy để gió rủ trên cánh đồng, vuốt ve mái tóc bầy trẻ nhỏ, hãy để gió yêu thương..."

Trên đây là một phần nội dung trong lá thư của Nguyễn Bình Nguyên, hay có thể gọi là một trích đoạn thơ. Tiếng gọi của một "ngọn gió" đến với một nhạc sĩ dương cầm, nhẹ nhàng như rất sâu và rất đau.

Đau vì trước mắt chúng ta, rừng đại ngàn bị tàn phá gần hết. Những bản tin lâm tặc phá rừng, người dân đốt rừng xuất hiện hằng ngày trên các trang báo không đủ để con người thức tỉnh.

Đau vì hằng ngày rác thải vẫn xả ra môi trường bất chấp mọi tiếng nói kêu cứu từ các tổ chức bảo vệ môi trường. Đau vì Việt Nam là một trong bốn quốc gia xả rác thải nhựa ra biển hàng đầu thế giới.

Đau vì Hà Nội, TPHCM là hai thành phố lọt vào "top" của những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Nguyễn Bình Nguyên cảnh báo thảm họa môi trường trên phạm vi toàn cầu, nhưng có thể nhìn cận cảnh từ Việt Nam. Mỗi quốc gia biết tự cứu mình khỏi thảm họa là cứu được trái đất.

Thế giới còn nhớ đến phát biểu của nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg tại Hội nghị Hành động Khí hậu lần đầu tiên ở Liên Hợp Quốc, New York hôm 23.9.2019: "Mọi người đang phải chịu đựng, đang chết dần. Toàn bộ hệ sinh thái đang sụp đổ. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của sự tuyệt chủng hàng loạt. Nhưng tất cả những gì các vị nói là về tiền và những câu chuyện cổ tích về phát triển kinh tế. Sao các ngài lại dám làm như vậy”.

Không ai nghĩ rằng, tiếng cảnh báo đanh thép đó là của một bé gái 16 tuổi trước 60 nhà lãnh đạo thế giới - đã truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường đầy thuyết phục và rung động lòng người.

Còn Nguyễn Bình Nguyên - một học sinh 15 tuổi đến từ Việt Nam, em không chọn cách nói đanh thép, mà bằng những lời văn như thơ như nhạc, như lời của gió để "lên tiếng kêu gọi con người cứu bầu khí quyển ốm yếu này!".

Lá thư của Nguyễn Bình Nguyên là bài giáo dục công dân, cần được phổ biến đến các trường học, để cho học sinh các cấp tham khảo.

Và tất nhiên, người lớn cũng cần phải đọc để thay đổi nhận thức và hành động. Chúng ta hãy nắm tay nhau đi băng bó lại những vết thương đã gây ra cho thiên nhiên. Chúng ta phải tạ lỗi với thiên nhiên không phải bằng những bài diễn văn với các câu khẩu hiệu, mà bằng những việc làm cụ thể, trồng một cây xanh, nhặt một cọng rác...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn