MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đối tượng mạo danh phóng viên để dọa dẫm doanh nghiệp, cưỡng đoạt tài sản. Ảnh: Công an Thái Nguyên

Lợi dụng danh nghĩa báo chí dọa dẫm doanh nghiệp là tệ nạn cần dẹp ngay

Lê Thanh Phong LDO | 12/12/2023 15:57

Làm giả bằng cấp để xin làm cộng tác viên cho một số tạp chí rồi đi dọa dẫm xin tiền doanh nghiệp, chuyện xảy ra ở Thái Nguyên.

Công an tỉnh Thái Nguyên vừa tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tạm giam đối với 5 đối tượng về tội "Cưỡng đoạt tài sản". Gồm Hoàng Văn Hữu, Đào Văn Thể, Đào Đình Luyện, Vũ Hoàng Bình và Đỗ Mạnh Dũng.

Hữu, Bình, Dũng, Luyện làm giả bằng cấp để xin làm cộng tác viên cho một số tạp chí rồi đi dọa dẫm doanh nghiệp lấy tiền. Đào Văn Thể chiếm đoạt tiền của hàng chục bị hại. Tổng số tiền chiếm đoạt gần 200 triệu đồng.

Ngày 29.11 vừa qua, Công an huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã bắt quả tang đối tượng Đặng Ngọc Bảo có hành vi nhận 9,8 triệu đồng từ đại diện của Công ty Cổ phần Trường Lợi. Bảo không có thẻ nhà báo, chỉ có tờ giấy giới thiệu của Tạp chí Môi trường và Xã hội.

Cũng ngày 29.11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái khởi tố và tạm giam đối với Nông Văn Dũng và Nguyễn Hoài Nam để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Hai người này tự xưng là “nhà báo” đe dọa doanh nghiệp đưa tiền, nếu không sẽ đăng bài lên Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu.

Còn nhiều vụ tương tự, xảy ra ở nhiều địa phương, công an khởi tố nhiều người, liên quan đến lợi dụng danh nghĩa báo chí cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp.

Hiện nay, có nhiều người, cầm trong tay tờ giấy giới thiệu là phóng viên hoặc cộng tác viên của một cơ quan báo chí, đi đến các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, tìm những sai phạm hoặc sai sót của đơn vị, để đe dọa đưa tin, đòi tiền.

Có nhiều tên cấu kết với nhau, dọa "đánh hội đồng" doanh nghiệp trên các mặt báo.

Doanh nghiệp e ngại thông tin không tốt sẽ ảnh hưởng đến làm ăn, nên chấp nhận đưa tiền để yên thân. Bọn chúng nắm được tâm lý đó, nên rình rập tìm ra sơ hở của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện âm mưu cưỡng đoạt tài sản.

Những người này không có chuyên môn báo chí, không viết tin bài, không có trách nhiệm nghề nghiệp, không đóng góp cho xã hội, chỉ đi quậy phá kiếm tiền.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các cơ quan báo chí cung cấp giấy giới thiệu, giấy cộng tác viên cho những người này. Đây là sự tiếp tay, hoặc có sự chia chác tiền bạc, cần phải làm rõ. Nếu người đứng đầu các cơ quan báo chí có liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản của những người này, phải xử lý theo pháp luật.

Chưa kể, các cơ quan quản lý phải xử lý các tờ báo, tạp chí có những cá nhân thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Nhưng có một điều cần lưu ý, đó là người dân, doanh nghiệp đừng sợ những người giả danh báo chí đòi tiền, gặp là tố cáo với công an ngay lập tức. Nếu còn đưa tiền là còn dung dưỡng loại tội phạm này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn