MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên QL4D Lào Cai - Sa Pa khiến 1 nam thanh niên tử vong. Ảnh: HĐ.

Lợi dụng tai nạn đòi 400 triệu đồng là tống tiền

LÊ THANH PHONG LDO | 06/03/2019 06:30

Vụ tai nạn giao thông xảy ra ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai) làm tử vong một thiếu niên đi xe máy sinh năm 2004. Tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên, nhưng trong vụ việc này lại dẫn đến một “vụ án” khác, có thể là hành vi tống tiền hoặc có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản.

Sau khi tai nạn xảy ra, người nhà nạn nhân và người dân địa phương bao vây tài xế ôtô đòi bồi thường 400 triệu đồng. Những người này không cho khám nghiệm hiện trường cho đến khi được thỏa mãn yêu cầu.

Cán bộ của cơ quan chức năng đến khám nghiệm hiện trường là làm nhiệm vụ thuộc công vụ. Để hiện trường bị thay đổi, hoặc không ghi nhận đúng thực tế khách quan, cũng sẽ dẫn đến những sai lệch trong kết luận điều tra. Lợi dụng đông người để gây áp lực cho cán bộ xử lý hiện trường, cho lái xe liên quan đến vụ tai nạn là không thể chấp nhận.

Vụ tai nạn xảy ra giữa xe máy và ôtô, cần xác định lỗi thuộc về bên nào, không phải cứ tai nạn thì xe to phải chịu lỗi. Rất nhiều vụ tai nạn, chính người đi xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ tự chuốc họa vào mình và gây họa cho người lái ôtô.

Một vụ tai nạn xảy ra, vẫn tâm lý gán tội cho người đi xe lớn là không văn minh, là bất công. Cho nên, trong trường hợp này, khi chưa xác định lỗi thuộc về ai, lại bắt lái xe ôtô bồi thường 400 triệu đồng là lợi dụng tai nạn để tống tiền, cướp tài sản.

Ngay cả khi xác định lỗi thuộc về lái xe ôtô, thì việc xử lý hình sự và bồi thường dân sự cũng được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu bất cứ ai cũng có quyền phán xử thì chỉ có loạn.

Vụ gây áp lực đòi 400 triệu đồng nêu trên nếu cơ quan điều tra không vào cuộc, làm rõ và xử lý sai phạm thì sẽ dẫn đến tiền lệ xấu, sau này khi có tai nạn xảy ra, sẽ có trường hợp lợi dụng tống tiền hoặc cưỡng đoạt tài sản của người liên quan đến tai nạn, nhất là trường hợp tai nạn giữa ôtô và xe máy hay xe đạp.

Nếu người dân có quyền phán xử, bắt một bên bồi thường 400 triệu đồng thì cần gì chính quyền, cần gì pháp luật?

Tương tự, có nhiều vụ người dân kéo nhau đánh đập, thậm chí đánh đến chết người trộm chó, vậy thì còn gì pháp luật? Một số vụ, chỉ nghe tri hô bắt cóc trẻ em, nhiều người xông vào đánh đập, thậm chí đâm chết người bị nghi bắt cóc trẻ em, vậy thì còn gì pháp luật?

Một xã hội văn minh sẽ không để tồn tại những con người, những hành vi đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật. Vụ bắt lái xe bồi thường 400 triệu đồng là một ví dụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn