MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rất nhiều loại sách bài tập khác nhau đang được rao bán trên thị trường. Ảnh: Chụp màn hình

“Lợi ích nhóm” trong in ấn sách bài tập, người dân cần có câu trả lời

Hoàng Văn Minh LDO | 18/04/2024 16:01

Người dân đang rất tò mò muốn biết việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc có dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong in ấn sách bài tập của Bộ GDĐT từ gần 2 năm trước đã cho kết quả như thế nào?

Theo thông tin trên Báo Lao Động thì tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ kiểm tra việc thực hiện 9 kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trong đó kiểm tra chính thức đối với 7 kết luận thanh tra và dự phòng 2 kết luận thanh tra.

Trong số 9 kết luận thanh tra này, có một kết luận đã và đang được người dân, dư luận rất quan tâm là kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo.

Kết luận này được Thanh tra Chính phủ ban hành cuối tháng 12.2022, chỉ ra rất nhiều hạn chế, thiếu sót và vi phạm tại Bộ GDĐT trong công tác quản lý nhà nước về sách giáo khoa.

Kết luận nêu rõ là “có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ GDĐT là cơ quan quản lý nhà nước với nhà xuất bản trong việc in ấn, phát hành sách bài tập". Thể hiện qua việc Bộ này thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành không đúng chức năng, nhiệm vụ.

"Do đó gây nhầm lẫn cho học sinh, phụ huynh học sinh và xã hội hiểu rằng, sách bài tập được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản cũng là tài liệu bắt buộc phải mua kèm theo sách giáo khoa, dẫn đến thực tiễn hầu hết gia đình học sinh khi mua sách giáo khoa đều mua sách bài tập kèm theo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành…”.

Ngoài dấu hiệu “lợi ích nhóm” thì kết luận thanh tra còn cho thấy, Bộ GDĐT gây lãng phí với số tiền tạm tính hơn 2.374 tỉ đồng liên quan đến việc in, phát hành, bán 303.058.000 bản sách giáo khoa có các trang sách học sinh có thế viết vào nhưng không dùng lại được.

Thật ra thì câu chuyện về lãng phí hàng ngàn tỉ đồng và dấu hiệu “lợi ích nhóm” này đã được đăng tải gây xôn xao trên báo chí từ gần 2 năm trước. Nên giờ nhắc lại, phụ huynh học sinh, xã hội cũng không còn thấy sốc và xa lạ gì.

Điều mà người dân tò mò và quan tâm bây giờ là việc xử lý các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm như trong kết luận thanh tra đã được tiến hành tới đâu? Có những ai bị xử lý và xử lý với hình thức nào?

Tiếp đến là việc kiểm điểm trách nhiệm, khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra của Bộ GDĐT và các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố liên quan đã được thực hiện ra sao?

Hy vọng những câu hỏi này sẽ sớm được trả lời sau khi Thanh tra Chính phủ hoàn tất việc kiểm tra việc thực hiện 9 kết luận thanh tra như đã nêu.

Thanh tra và thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để những kiến nghị của thanh tra, đồng thời công khai kết quả xử lý cho người dân được biết không chỉ giúp cho việc quản lý nhà nước về giáo dục ngày một tốt hơn. Mà còn góp phần “tái tạo” niềm tin cho người dân về giáo dục vốn đã và đang bị “hư hao” bởi nhiều nguyên nhân khác nhau!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn