MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một địa phương, rồi hai địa phương... đã cho F0, F1 được đi làm và sẽ còn nữa khi quy định cách ly đang vừa không khả thi vừa không thể giám sát. Ảnh: An Long

Long An, Cà Mau đột phá cho F0, F1 đi làm: Còn đột phá là còn...”lô cốt”

Anh Đào LDO | 18/03/2022 11:07

Sau Long An, đến lượt Cà Mau cho F0, F1 được đi làm. Những “đột phá” thực sự trước những quy định “nửa nạc nửa mỡ” không khả thi và cũng không thể giám sát của Bộ Y tế.

“Không khả thi, không thể giám sát” là bình luận của thầy thuốc, tiến sĩ Trần Sĩ Tuấn trước việc “cấm F0 ra khỏi nhà”. Theo ông Tuấn, quy định này còn mâu thuẫn với đề xuất của chính Bộ Y tế về việc cho F0, F1 đi làm.

Mỗi ngày cả nước ghi nhận hơn 160.000 ca F0. Trong khi số F0 thực tế chắc chắn cao hơn rất nhiều. Số ca COVID-19 “đông” đến nỗi không chỉ y tế phường quá tải mà ngay cả các tổ COVID cộng đồng giờ cũng không thể đáp ứng những nhu cầu tối thiếu. Dân vẫn đùa là giờ đến ngay cả cái dây giăng trước cửa cũng chẳng có. Và thực tế là F0 vẫn ra phường xếp hàng, vẫn đi mua lương thực thực phẩm thuốc men... bất chấp việc vẫn bị cấm.

Không khả thi, không thể giám sát - bình luận cực kỳ chuẩn xác.

Và trong khi các quy định cách ly đang khiến doanh nghiệp sống dở chết dở vì thiếu hụt lao động.

Nhớ hôm Long An tạm thời cho phép F0, F1 đi làm, trên VOV, ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu công nghiệp Phú An Thạnh đánh giá đây là một sự “đột phá”. Đột phá ở cả những nỗ lực, sự quyết đoán đầy “linh hoạt” của chính quyền. Đột phá cho đến cách suy nghĩ, tìm tòi nhằm gỡ khó nguồn lao động cho các doanh nghiệp, cho cả đời sống công nhân.

Long An năm 2022 vẫn cần tuyển dụng thêm hơn 51.000 lao động. Sau tết, cả 16 khu, cụm công nghiệp với tổng số 1.563 doanh nghiệp và gần 180.000 công nhân đã trở lại hoạt động. Nhưng có những thời điểm, Long An ghi nhận 11.500 ca F0 ở 360 doanh nghiệp. Nếu cứ máy móc cách ly, chỉ riêng về hậu quả kinh tế đã không thể đếm được.

Quay lại với hai chữ “đột phá”. Trong lịch sử kinh tế Việt Nam, Long An cũng từng tiên phong với việc xác định lại giá cả, tiền lương phải dựa trên quy luật giá trị và cung cầu chứ không thể duy ý chí.

Đột phá ấy sau này được hiện thực hoá toàn quốc trong chính sách bù giá vào lương.

Nhưng suy cho cùng, còn phải đột phá, có nghĩa là còn barie, còn lô cốt. Những điều mà nhiều năm sau, chúng ta sẽ nhìn thấy nó vô cùng ấu trĩ.

Hôm qua, Nghị quyết 38 của Chính phủ đã ban hành với một yêu cầu đáng chú ý:  Căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Một bước tiến để coi COVID-19 là bệnh lưu hành.

Bữa trước, khi “hiểu lầm” F0 được ra khỏi nhà, dân bình tĩnh, bình thản đón nhận.

Vậy là giờ, Bộ Y tế đã có cả đèn xanh trong nghị quyết, cả tâm thế sẵn sàng của dân để đột phá... chính mình rồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn