MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Lớp áo giáp” cho nhân viên y tế trong cuộc chiến chống COVID-19

Lê Thanh Phong LDO | 10/03/2021 06:28
“Mong mỏi nhất là có được vaccine, ngày hôm nay có được thêm lớp “áo giáp” để nhân viên y tế an tâm hơn, an toàn hơn để cống hiến cho người bệnh và cộng đồng”, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM bộc bạch tâm tư của mình với báo chí.

Khi đại dịch bùng nổ, với những trang bị y tế như quần áo bảo hộ, khẩu trang, nước sát khuẩn, đội ngũ nhân viên y tế đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, nhưng họ vẫn sẵn sàng làm việc và đã làm rất tốt công việc của mình. Đương nhiên bác sĩ thì phải chữa bệnh, ngành Y tế thì phải chủ công phòng, chống dịch, nhưng làm với tất cả lương tâm, trách nhiệm và tinh thần hy sinh mới ghi dấu ấn trong lòng dân.

Qua đại dịch này, cộng đồng xã hội đã có một cái nhìn mới mẻ, tin cậy hơn đối với ngành Y, với những thầy thuốc Việt Nam.

Cho nên, việc tiêm vaccine ưu tiên cho nhân viên y tế rất được người dân ủng hộ. Người lính trên tuyến đầu chống giặc thì phải mặc áo giáp để chống đạn, người lính trên mặt trận chống giặc COVID-19 cũng vậy, phải được tiêm vaccine như là trang bị thêm áo giáp, nói như bác sĩ Nguyễn Thanh Phong.

Về nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm đầu tên đã rõ, còn nhóm địa phương ưu tiên có thể còn nơi này nơi khác tâm tư, vì sao địa phương tôi chưa được tiêm vaccine, địa phương khác lại có. Bà con thắc mắc là phải, nhưng cần phải giải thích rõ ràng, thuyết phục để tất cả mọi người được yên tâm.

Vaccine sẽ về đủ, nhưng theo từng đợt vì không thể đủ một lần, cho nên phải lựa chọn ưu tiên và ưu tiên ở đây là hiệu quả phòng dịch. Đã là ưu tiên cho phòng dịch thì 13 tỉnh thành có dịch sẽ được tiêm vaccine đợt đầu.

Phải nghĩ rằng, tiêm vaccine COVID-19 cho các địa phương có dịch chính là lập “công sự”, không cho giặc COVID-19 tấn công sang các địa phương chưa có giặc. Cho nên, ưu tiên cho địa phương có dịch cũng chính là bảo vệ cho địa phương đang an toàn.

Theo kế hoạch nhập vaccine từ các nguồn, Việt Nam sẽ triển khai tiêm rộng ra nhiều nhóm đối tượng và địa phương. Ví dụ như chỉ riêng thông qua chương trình COVAX Facility, tới đây có thể đảm bảo 20% dân số được tiêm vaccine AstraZeneca. Chưa kể, Việt Nam còn có bảo bối là vaccine “make in Việt Nam”.

Tuy nhiên, cho dù tỉ lệ người dân được tiêm vaccine có cao đến bao nhiêu, nhưng khi ngành Y tế chưa tuyên bố an toàn, thì mỗi người dân vẫn phải chấp hành nghiêm quy định “5K”.

Kiểm soát dịch bệnh, an toàn để phát triển kinh tế, đạt được mục tiêu kép như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn