MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thông tin Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có ca hiến tạng từ người chết não truyền nhau trên mạng.

Lừa đảo mua bán nội tạng, cần sớm sửa đổi bất cập của pháp luật về hiến tạng

Hoàng Văn Minh LDO | 22/12/2023 14:51

Các bệnh viện trên cả nước đồng loạt cảnh báo tình trạng lừa đảo mua bán nội tạng trái phép đang tràn lan trên mạng xã hội.

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa triệt phá một đường dây mang thai hộ, buôn bán nội tạng cơ thể người lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên từ trước đến nay.

Đường dây này hoạt động từ năm 2018, hình thức là vào Bệnh viện Trung ương Huế để tìm người có nhu cầu ghép thận, sau đó chào bán thận với giá từ 800 -1,3 tỉ đồng/quả thận. Sau đó, các đối tượng móc nối tìm người bán với giá thấp hơn nhiều, khoảng 450 triệu đồng/quả thận, để kiếm lời.

Đáng nói là hiện có rất nhiều đường dây như thế này chưa được triệt phá, đang hoạt động công khai, nhộn nhịp trên mạng xã hội – theo điều tra mới nhất của Báo Lao Động.

Và không chỉ mua bán nội tạng trái phép, thị trường này còn đã, đang cho thấy nhiều bằng chứng về sự lừa đảo một cách trắng trợn để chiếm đoạt tài sản người khác.

Tình trạng này diễn ra đến mức các bệnh viện trên cả nước phải đồng loạt đăng cảnh báo, cải chính thông tin. Bởi hiện có rất nhiều thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội kiểu: “Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hiện đang có một bệnh nhân chết não, nguyện vọng hiến tạng - nhóm máu B. Nhờ cộng đồng lan tỏa giúp, nếu có bệnh nhân có chỉ định ghép tim, ghép tạng xin liên hệ để có cơ hội tốt cho bệnh nhân”.

Theo Bộ Y tế, hiện trong danh sách chờ ghép tạng quốc gia có hơn 5.000 ca, nhưng đây là con số nhỏ so với thực tế. Trong khi, nguồn tạng hiến tạng từ người chết não còn rất hạn chế, chỉ từ 10-20 người mỗi năm.

Hay một thống kê khác, cũng từ Bộ Y tế là từ năm 2010 đến nay, Việt Nam ghép tạng được hơn 5.220 ca, trong đó 318 ca là từ người cho chết não. Một con số quá khiêm tốn so với hơn 1.500 ca chấn thương sọ não mỗi năm.

Và đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các hội nhóm mua bán tạng trái phép “canh tác”.

Thực tế thì việc hiến tạng, đặc biệt là hiến tạng từ người chết não ở Việt Nam hiện gặp rất nhiều khó khăn, từ quan niệm “chết phải toàn thây” của người dân, sự chi trả khiêm tốn của BHYT đối với người ghép tạng và đặc biệt là rào cản pháp luật.

Ví như Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực thi hành đã 16 năm, nhiều quy định của luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, gây trở ngại rất lớn, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Để ngăn chặn hiệu quả hành vi lừa đảo cũng như tình trạng mua bán cơ thể người trái phép thì sự cảnh báo từ các bệnh viện, sự vào cuộc của cơ quan chức năng như của Công an Thừa Thiên Huế mới đây, hay Công an TPHCM hồi cuối tháng 10 là vô cùng cần thiết.

Nhưng chỉ vậy thôi vẫn chưa đủ. Điều quan trọng nhất bây giờ vẫn là Bộ Y tế cần sớm có những đề xuất sửa đổi, tạo cơ chế tháo gỡ những rào cản của pháp luật liên quan đến pháp luật về hiến tạng.

Tội phạm trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ không còn đất sống nếu nguồn tạng hiến tạng từ người chết não được tăng lên, từ 100 hay 1.000 người/năm, thay vì chỉ từ 10-20 người mỗi năm như hiện nay!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn