MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đây được gọi là Khu tái định cư. Nó bị bỏ hoang suốt gần 20 năm bất chấp việc người mất đất phải thuê nhà để ở. Ảnh: Huân Cao

Luật Đất đai và câu chuyện 20 năm, 154 lần đi kiện đất tái định cư

Đào Tuấn LDO | 12/08/2022 09:38

“Thực tế có những dự án 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm chưa bố trí được tái định cư cho dân"- Nhìn nhận thực tế của  Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Ảnh trong bài là một góc Khu tái định cư của những người dân bị thu hồi đất cho Khu Công nghệ cao TP HCM.

Nó chính xác là một khu đất hoang.

Và trong khi 368 hộ dân bị thu hồi không còn mảnh đất cắm dùi, mất sinh kế, phải đi thuê nhà ở thì hàng trăm ngàn m2 đất bỏ hoang.

Có hai con số phải nói. Đất tái định cư bỏ hoang suốt từ 2004 đến nay. Thời gian tổng cộng gần 20 năm.

Và cũng suốt từ 2004, 368 hộ dân mất đất đã 154 lần thực hiện khiếu tố tại Ban Tiếp công dân TPHCM.

Thu hồi trắng đất canh tác, đất ở của dân - vậy thì người dân sống ở đâu? Làm gì để sống?

Không ai trả lời được câu hỏi đó cả. Suốt gần 20 năm qua.

20 năm cũng là một mốc thời gian mà Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhắc tới trong Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 18 về vấn đề đất đai, rằng: “Thực tế có những dự án 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm chưa bố trí được tái định cư cho dân".

Nghị quyết 18, và vừa mới đây là Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai - sẽ được xin ý kiến rộng rãi nhân dân - lần này có một điểm mới cực kỳ tiến bộ. Đó là nguyên tắc: Chỉ thu hồi đất khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt.

Và việc bồi thường về đất được thực hiện bằng giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất để bồi thường, Nhà nước sẽ trả tiền theo giá đất cụ thể, tính theo thời điểm phê duyệt.

Nguyên tắc này nhằm đảm bảo người dân có chỗ ở, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ.

Có thể tái định cư xong mới thu hồi đất thì sẽ có sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án. Nhưng, nói như ông Võ Văn Thường: "Khi thu hồi đất, đánh giá tác động môi trường là cần thiết, nhưng đánh giá tác động xã hội còn quan trọng hơn". Rất thấm thía, nhất là những “nạn nhân” bị thu hồi đất với giá quá rẻ mạt và đợi chờ tái định cư trong vô vọng.

Khiếu nại tố cáo đất đai vẫn cực kỳ phức tạp. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường: Đơn thư khiếu nại vẫn chiếm tỉ lệ cao (trên 60%) trong tổng số đơn thư gửi đến các cơ quan nhà nước, nhiều vụ việc kéo dài, khó giải quyết dứt điểm. Trong khi số vụ án liên quan đất đai chiếm trên 70% số vụ án được xét xử hằng năm.

Có lẽ, người dân rất kỳ vọng ở lần sửa đổi này, để những quy định mới có thể chấm dứt khiếu tố và trả lại công bằng cho những người dân vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi khi bị thu hồi đất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn