MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Luật không thể làm ra để… giải trí

Đào Tuấn LDO | 02/12/2020 07:12

Ở ta, có “hình phạt 200k”, để rồi thủ phạm giỡn chơi nạn nhân. Có những chế tài - nghe thì ghê gớm nhưng chẳng phạt được ai. Cứ như thể làm luật để cho vui vậy.

Có một quy định từng trở thành trend về sự hài hước, ấy là chế tài: Phạt tới 5 triệu đồng sếp nào để nhân viên uống bia rượu trong giờ làm việc.

Quy định này có hiệu lực từ 15.11 theo Nghị định 117. Nhưng đến giờ, và chắc luôn cả trong tương lai, nó sẽ vẫn cứ “nằm ịch ở đó” vì thực tế là chẳng phạt được ai cả.

Không phạt được không phải vì không vi phạm - nhiều là khác. Không phạt được chỉ vì chúng ta không phạt. Có muốn cũng không thể phạt, thế thôi.

Cũng hài hước y chang là quy định phạt tiền hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống bia rượu.

Hôm nọ, có vị Giám đốc bệnh viện, lại còn là Viện Nhi từng xác nhận: Từ trước đến nay, chúng tôi chưa xử phạt được trường hợp nào hút thuốc lá trong bệnh viện.

Nói về Nghị định 117, vị giám đốc cũng nói thật: Có nhiều chế tài đấy nhưng để thi hành không đơn giản chút nào... bởi rất dễ xảy ra xung đột.

Nhìn lại những con số thống kê thì sau 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, số tiền xử phạt chỉ... 700 triệu đồng. 700 triệu, nếu trừ các đợt thanh kiểm tra kiểu “ra quân” của các bộ ngành địa phương, trừ số tiền phạt các cơ sở vi phạm thì việc xử phạt các cá nhân chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Câu hỏi tại sao - cho sự bất lực - không khó để trả lời. Là vì thanh tra y tế, lực lượng chức năng có khi chỉ 3 người mỗi địa phương. Là vì việc xử phạt hầu như không thực hiện được.

Năm 1994, thế giới từng dồn mọi sự chú ý tới Singapore khi nhà chức trách nước này tuyên phạt thanh niên người Mỹ Michael Fay 6 roi mây vì bị kết tội phá hoại xe hơi và tài sản công.

Tổng thống Mỹ, bấy giờ là Bill Clinton - đã nỗ lực tìm mọi cách tác động để Fay không bị đánh. Tuy nhiên, dù giảm hình phạt xuống còn 4 roi, chính quyền Singapore vẫn nhất quyết không xóa bỏ hình phạt đánh roi với Fay.

Lý luận rất đơn giản: Luật làm ra không phải để đùa.

Dù bị phản đối vì sự khắc nghiệt của hình phạt, giới chức Singapore vẫn cho rằng: Hình phạt tiền không có tác dụng vì một số người sẵn sàng nộp tiền sau khi phạm tội, trong khi đó, hình phạt roi sẽ khiến người ta phải chừa vì sợ hãi. Và khiến những người khác chùn tay.

Cây roi mây, lý luận “Luật không phải để đùa” ở Singapore chính là cái mà chúng ta đang thiếu. Bởi tư duy ban hành cho có, tăng kịch khung mức phạt tiền, trong khi chẳng phạt được ai - sẽ chỉ duy nhất có tác dụng giải trí mà thôi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn