MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS (ảnh minh họa). Ảnh: Đức Kim.

Lùm xùm vụ phong GS-PGS: Cần rà soát cả “Tiến sĩ tại chức”

QUANG ĐẠI LDO | 06/03/2018 13:00
Tại Việt Nam, bên cạnh hiện tượng nhiều quan chức cao cấp nộp hồ sơ phong GS-PGS, là hiện tượng “Tiến sĩ tại chức”, nhiều công chức đua nhau làm nghiên cứu sinh để có học vị cao nhất.

Cả hai hiện tượng nói trên đều chung nguyên lý: Không thể “vừa xay lúa vừa bồng em”. Là cán bộ, công chức cao cấp, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo, thời gian công vụ quá bận bịu, dù giỏi mấy cũng không thể chuyên tâm giảng dạy, nghiên cứu có chất lượng cao.

Về mặt thuật ngữ, “giáo sư – phó giáo sư” là học hàm dành cho người chuyên giảng dạy bậc đại học và nghiên cứu khoa học. Tương tự, tiến sĩ là học vị dành cho người chuyên nghiên cứu khoa học. Người làm nghề giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học, ngoài trí tuệ, cần sự đam mê, nghiên cứu chuyên sâu, cần mẫn, dành bao nhiêu thời gian cũng không đủ. Bởi vì những yêu cầu ngày càng cao của công việc, cũng như sự phát triển không ngừng của khoa học.

Trừ trường hợp người đã có bằng tiến sĩ chuyển sang làm công chức lãnh đạo; còn nếu đang là công chức mà làm nghiên cứu sinh sẽ có rất nhiều bất cập. Bản thân công chức phải chi phối rất nhiều thời gian để làm nghiên cứu sinh, ảnh hưởng đến công việc quản lý, điều hành. Nhà nước tốn kém kinh phí cho công chức làm tiến sĩ.

Hiệu quả, chất lượng nghiên cứu, chất lượng luận án không cao, vì nghiên cứu sinh “tiến sĩ tại chức” không có điều kiện làm khoa học chuyên nghiệp, không cập nhật kiến thức và đủ thời gian nghiên cứu như các đối tượng khác.

Kết quả nghiên cứu của các vị này không giúp ích gì nhiều cho vị trí, chức danh quản lý nhà nước đang đảm nhiệm.

Không loại trừ nhiều trường hợp nể nang trong hướng dẫn nghiên cứu, làm luận án, phản biện các “tiến sĩ tại chức”, hoặc nghiên cứu sinh "xào xáo", đạo văn, mua luận án. Nhiều “tiến sĩ tại chức” sau khi có được cái danh “ông Nghè” là sự nghiệp nghiên cứu cũng… kết thúc. Nhiều người còn không dám “khoe” bằng tiến sĩ với giới học thuật cũng như truyền thông.

Nếu rà soát kĩ, sẽ có không ít “Tiến sĩ tại chức” thành tích nghiên cứu, công bố khoa học rất nghèo nàn, được “phù phép”, khả năng ngoại ngữ yếu kém, thậm chí “mù” ngoại ngữ.

Đây là thực tế đã được cảnh báo từ lâu, nhưng xem ra chưa có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc rà soát chức danh GS-PGS được phong đợt này, cần có nhiều đợt rà soát các GS-PGS đã được phong ở các lần trước, đồng thời rà soát tất cả các trường hợp “Tiến sĩ tại chức”, được nhận bằng tiến sĩ trong thời gian công tác. Nếu ai không đạt chuẩn thì xử lý tước học hàm, học vị.

Như vậy, “chịu đau một lần”, nhưng sẽ làm trong sạch môi trường khoa học, trả lại vinh dự xứng đáng cho các chức danh, học vị cao quý, đồng thời cũng hạn chế, triệt tiêu tâm lý sính bằng cấp, hư danh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn