MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà trọ tạm bợ tối thiểu của tối thiểu là cách không ít công nhân tiết giảm chi phí khi phải đối mặt với những cơn bão giá và lương không tăng suốt 2 năm qua. Ảnh: LDO

Lương, giá và những đoàn người xếp hàng từ mờ sáng

Anh Đào LDO | 13/04/2022 12:53

Lương tối thiểu vùng theo đề xuất sẽ tăng 6% kể từ 1.7.2022. Nhưng tăng lương mới chỉ là một nửa vấn đề.

Lành, 27 tuổi, mang theo con nhỏ, xếp hàng từ 4h30 sáng trước Trụ sở bảo hiểm xã hội Thành phố Thủ Đức để rút bảo hiểm xã hội một lần.

Rút một lần là mất hết. Không lương hưu. Không bảo hiểm y tế miễn phí.

Lành có biết không! Quá biết.

Nhưng Lành đã mất việc suốt từ đợt dịch năm ngoái. Cả hai vợ chồng đã không còn thu nhập. Và giờ, số tiền 70 triệu đó là để lo cho con cái (nguồn Vnexpress)

Lành, chỉ có một lựa chọn đó thôi.

Hôm qua, hình ảnh những đoàn người xếp hàng từ tờ mờ sáng chờ rút bảo hiểm xã hội một lần đã được ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhắc tới trong phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia. Như một việc “rất đáng suy nghĩ để các bên thảo luận về mức lương tối thiểu vùng hợp lý”.

Và cuối cùng, lương được “chốt” ở mức tăng 6%- chưa như mong muốn của Tổng liên đoàn cũng như của người lao động, nhưng nói như ông Ngọ Duy Hiểu: “Mức này thể hiện sự chia sẻ”, để “Chúng ta cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn. Việc tăng lương cũng chính là việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước là “khoan sức dân” để giúp người lao động và doanh nghiệp cùng phục hồi phát triển với năng suất lao động cao”.

Nhưng xét ra, tăng lương mới chỉ là một nửa vấn đề.

Những khảo sát của Viện Lao động và công đoàn đưa ra những con số không thể không động lòng: 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn; 48% lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày; 22% chuyển từ mua sắm mỗi ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa; 60% tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân; 0,3% lao động vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.

46,2% người lao động phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống; 56,1% cho biết tiền lương, thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống.

Và hình ảnh những đoàn người xếp hàng rút bảo hiểm xã hội kia chính là một biểu hiện cái ngưỡng của cuộc sống tối thiểu.

Bởi cái ngưỡng “tối thiểu” còn chịu tác động rất lớn từ giá cả và các chi phí y tế cá nhân vì dịch bệnh. Giá xăng, giá gá tăng kỷ lục. Giá thuốc men, vật tư y tế, thậm chí cả khẩu trang cũng có những thời điểm... đạt kỷ lục nữa.

Lương, 2 năm chưa được tăng và những cơn bão giá đã “ăn” hết “của để dành” của những người lao động làm việc cả chục năm vẫn “ở nhà thuê, đi xe số”.

Tăng lương mới chỉ là một nửa vấn đề, bởi số tiền tuyệt đối từ mức tăng 6% ấy sẽ vô nghĩa nếu giá cả không được kiềm chế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn