MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất phải sớm thành hiện thực. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Lương nhà giáo cao nhất phải sớm trở thành hiện thực

Hoàng Văn Minh LDO | 05/09/2024 19:00

Chủ trương lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương cần được quy định rõ ràng và cụ thể bằng con số và sớm trở thành hiện thực.

Dự thảo Luật Giáo dục (sắp tới trình Quốc hội) phải quy định rõ ràng các chính sách đặc thù cho nhà giáo, như lương cơ sở và phụ cấp cao nhất, theo tinh thần của Kết luận 91-KL/TW: Lương của nhà giáo phải được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Đó là một trong những chỉ đạo rất quan trọng và kịp thời của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8.2024, cho ý kiến đối với một số dự án luật, đề nghị xây dựng luật vào hôm qua (4.9).

Quy định cụ thể nghĩa là chủ trương “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” cần được thể hiện bằng con số rõ ràng, chẳng hạn như mức cao nhất là bao nhiêu, thay vì chỉ nói chung chung, mang đến những hy vọng chưa rõ ràng.

Hiện nay, lương giáo viên dao động từ khoảng 4,9 - 15,87 triệu đồng/người/tháng, sau khi điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng kể từ ngày 1.7.2024.

Dù lương mới cao hơn mức cũ khoảng từ 1,13 - 3,7 triệu đồng, nhưng rõ ràng, mức này còn lâu mới có thể coi là "cao nhất". Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến việc từ tháng 8.2023 đến hết tháng 4 năm nay, cả nước đã có 7.215 giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển việc, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thực tế, mục tiêu “cao nhất” như Kết luận 91-KL/TW đề ra hiện vẫn đang gặp nhiều vướng mắc. Một trong những vướng mắc lớn nhất là Nghị quyết 27 của Trung ương quy định mức tiền lương trong hệ thống hành chính sự nghiệp là như nhau, khiến cho nhà giáo khó có thể được hưởng lương cao nhất.

Với vướng mắc mang tính nút thắt này, có thể sẽ có cách tháo gỡ khi Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức nhưng đồng thời cần kế thừa các quy định còn phù hợp với đặc thù nghề dạy học của luật này - cũng trong phiên họp hôm qua.

Trước đó, vào tháng 7, tại buổi tọa đàm "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội tổ chức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa - người chủ trì tọa đàm - cũng đã nhấn mạnh quan điểm tương tự với chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, mục tiêu khi xây dựng Luật Nhà giáo là tạo ra một đạo luật riêng cho nhà giáo. Hiện tại, nhà giáo đang được điều chỉnh bởi Luật Viên chức đối với giáo viên công lập và Bộ luật Lao động đối với giáo viên ngoài công lập. Nhà giáo là viên chức nhưng cần phải được coi là viên chức đặc biệt; là người lao động nhưng phải là người lao động làm nghề đặc biệt.

Khi chủ trương được cụ thể hóa bằng con số; khi nhà giáo được công nhận là viên chức đặc biệt, không bị điều chỉnh bởi Luật Viên chức - tức là cũng không chịu ảnh hưởng bởi Nghị quyết 27 về tiền lương - thì chắc chắn mục tiêu lương nhà giáo cao nhất sẽ sớm trở thành hiện thực!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn