MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa cơm của một nữ công nhân. Ảnh: Tất Thảo

Lương tối thiểu còn “nợ” mức sống tối thiểu 15%!

Anh Đào LDO | 27/03/2022 14:19

Năm 2019, có những nữ công nhân nghèo khó đến mức phải đi “đẻ thuê”. Từ năm đó đến nay, chi phí sinh hoạt tăng với hai con số. Trong khi lương thì chưa tăng dù chỉ 1 đồng.

“Mức sống tối thiểu” đã lạc hậu đến mức vẫn tính trên giá trị rổ hàng hóa lương thực thực phẩm cung cấp 2.100 Kcal/người/ngày.

Nhưng ngay cả khi nó lạc hậu đến tội nghiệp như thế thì lương tối thiểu thậm chí vẫn còn “nợ” mức sống tối thiểu tới 15%.

Chữ “nợ”, và con số 15% được tính toán bởi ông Mai Đức Chính, nguyên Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia.

Việc đảm bảo mức lương tối thiểu cho mức sống tối thiểu từ bao năm nay đã luôn là những cuộc tranh luận.

Năm 2019, Oxfam từng đưa ra hàng loạt những hệ lụy của việc lương không đủ sống: Đó là 69% công nhân cho biết họ không đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt; 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương tháng; 37% cho biết họ luôn trong tình trạng vay nợ để bù lấp thiếu hụt chi tiêu trong tháng; 69% cho biết họ hiếm khi hoặc chưa bao giờ có thời gian rảnh để thăm người thân và bạn bè; 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng.

Có nghĩa rằng họ tối thiểu như một... cái máy. Đến cái tối thiểu là ăn uống... thì cũng tối thiểu, chỉ để có sức mà làm việc.

Hôm đó, năm đó, dư luận từng choáng váng từ câu chuyện những nữ công nhân nghèo đói đến mức phải đi “đẻ thuê” để có được số tiền 10.000 đô la, số tiền mà chính đương sự/nạn nhân thổn thức với nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Vũ Quang Thọ “nếu lương 4-5 triệu đồng/tháng, chưa trừ hàng loạt các chi phí sinh hoạt, thì cháu làm đến bao giờ mới tích lũy được cả chục ngàn đô la”.

Mấy năm qua rồi, trong khi đời sống và thu nhập của hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trong khi giá cả hàng hoá đã tăng ở mức hai con số thì lương tối thiểu vẫn đang “hoãn” tăng. Và như lời ông Chính, lương tối thiểu đang nợ mức sống tối thiểu 15%.

Đã mấy năm rồi, công nhân, người lao động nghèo vẫn là nhóm “thu nhập thấp”, vẫn thuộc nhóm yếu thế.

Và từ câu chuyện phải đẻ thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống, giờ đây, đồng lương tối thiểu đang khiến rất nhiều nữ công nhân “rất khó khăn để quyết định sinh con”.

Nói một cách khác, những ước mơ tối thiểu “ngôi nhà và những đứa trẻ” giờ đây càng xa vời đến xa xỉ.

Năm 2019, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp chế xuất Hà Nội, đã đặt câu hỏi với các đại biểu tham dự toạ đàm với chủ đề mức sống tối thiểu, rằng: Với 6 triệu đồng thu nhập/tháng thì mọi người có đủ sống hay không?

Còn năm nay, câu hỏi đúng phải là nếu lương tối thiểu mà còn nợ đến 15% so với mức sống tối thiểu thì họ có còn hơn được gì so với cái máy không?!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn