MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lương tối thiểu vùng và giải pháp giữ chân người lao động

Hoàng Lâm LDO | 13/09/2023 08:02

Sau một thời gian thắt chặt chi tiêu, tìm kiếm việc làm, nhiều lao động sau khi trở về quê vì dịch bệnh COVID-19 đã phải chuẩn bị hành lý để trở lại các tỉnh phía Nam - nơi thị trường lao động sôi động hơn, cơ hội có việc làm rõ nét hơn.

Gia đình anh Hòa, chị Thanh ở Thọ Xuân (Thanh Hoá) thuộc nhóm “chạy dịch” cách đây 2 năm. Anh Hòa nói: “Về quê không dễ dàng chút nào, vợ chồng tôi từng có thu nhập gần 20 triệu ở Đồng Nai trước dịch, bây giờ cố gắng cũng chỉ bằng một nửa và chi tiêu đủ thứ, nhất là hai đứa trẻ chuẩn bị đi học. Chúng tôi sẽ trở lại nơi cũ xem có hy vọng nào không”.

Đó cũng làm tâm lý của hàng trăm ngàn lao động Thanh Hóa, hay rộng hơn là khu vực Bắc Trung Bộ: “Về quê gần nhà, an toàn hơn nhưng thu nhập ít hơn và khả năng mất việc, giãn việc lơ lửng trên đầu”.

Quay lại phía Nam làm công nhân hay ở quê là một bài toán không hề dễ. Nếu thu nhập và việc làm ổn định hơn thì quê hương là điều họ chọn. Nhưng đồng lương, điều kiện học hành của con cái là những yếu tố quyết định. Hồi tháng 7.2023, tỉnh Thanh Hóa công bố thu nhập bình quân chung của tỉnh là 51,7 triệu đồng/người/năm. Trong đó, thành phố Thanh Hóa là địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất, cũng chỉ đạt 80,85 triệu đồng/người/năm. Mặc dù đó là nỗ lực của Thanh Hóa nhưng cũng cho thấy một điều: Bài toán tăng lương, thu nhập cho người lao động đã và tiếp tục là bài toán khó.

Căn cứ theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP và nội dung nêu trên, tùy vào địa phương mà mức lương tối thiểu vùng tại Thanh Hóa là 3,64 triệu đồng/tháng và 17.500 đồng/giờ hoặc 3.250.000 đồng/tháng và 15.600 đồng/giờ. Ngưỡng này quá thấp.

Nên nhớ Thanh Hóa là địa phương có tốc độ phát triển nhanh, nhu cầu lao động lớn mà còn gặp khó thì những địa phương khác trong khu vực khó khăn sẽ nhiều hơn.

Muốn người lao động ở lại, đóng góp cho quê hương thì cuộc sống phải đảm bảo.

Khảo sát của Tổng LĐLĐVN nửa đầu năm 2023 cho kết quả thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu đồng. Cũng theo khảo sát, chỉ 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ đáp ứng 100% chi tiêu cho cuộc sống; 75,5% người trả lời cho biết, thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu chi tiêu.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra hôm 9.9, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân, người lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động gặp khó khăn cần, nhưng chưa đủ. Việc làm ổn định và đồng lương, trong đó có lương tối thiểu vùng phải sớm có sự thay đổi mới là giải pháp căn cơ để thu hút lao động, để người lao động hồi hương không phải chấp nhận rủi ro đi tìm việc ở nơi khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn