MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ly càphê, cốc bia, tập trung khấn vái- phải trả giá sinh mạng cộng đồng

Lê Thanh Phong LDO | 27/03/2020 13:22

Đến giờ này mà vẫn còn nhiều người tập trung càphê, bia rượu. Còn có những người tập trung ở nơi thờ tự, đền miếu khấn vái thánh thần. Họ bất chấp cảnh báo của chính quyền, xem thường mạng sống của cộng đồng và của chính họ. 

"Nếu vẫn còn tụ tập, vẫn còn uống càphê thì nguy cơ lây lan nhanh", ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã cảnh báo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội ngày 25.3.

TPHCM cũng đã có quyết định tạm dừng hoạt động các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Nhưng vẫn còn nhiều hàng quán mở cửa, vẫn còn nhiều người tụ tập càphê, ăn nhậu. Họ xem thường các khuyến cáo về phòng dịch của Bộ Y tế, coi thường quy định của chính quyền.

Một cuộc vui đổi lại bào nhiêu nỗi buồn. Điển hình như bar Buddha. Trước đó, có ít nhất 8 trường hợp được xác định nhiễm virus gây bệnh COVID-19 gồm các bệnh nhân 91, 97, 98, 120, 124, 125,126, 127. Tính đến sáng 26.3, đã có thêm 3 trường hợp có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 liên quan đến quán bar này.

Một người nhiễm virus SARS-CoV-2 là một kíp y - bác sĩ phải vất vả, là thêm gánh nặng cho ngành y tế, là thêm mối hiểm nguy cho cộng đồng. Nhưng có nhiều người vẫn xem thường, ham chơi, bất chấp hậu quả.

Trên thế giới, đã có nhiều y - bác sĩ tử vọng vì nhiễm virus SARS-Cov-2 trong quá trình điều trị bệnh nhân, Việt Nam đã có 2 bác sĩ bị dương tính. Cho nên, nếu ai còn vì thú vui của mình mà tụ tập càphê, bia rượu, là vô trách nhiệm, là vô tâm, chưa nói là ác tâm.

Trước dịch COVID-19 đang lan rộng, y - bác sĩ trên thế giới truyền thông điệp: "“We stay at work for you. Please stay at home for us” (tạm dịch: “Chúng tôi ở đây để bảo vệ các bạn/ các bạn ở nhà để bảo vệ chúng ta”.

Ở nhà nếu không có việc cần thiết phải ra đường là bảo vệ cho mình, cho gia đình mình, cho y bác sĩ, cho cả cộng đồng. Đó là cho "chúng ta".

Không chỉ thú vui ăn uống, vì thỏa mãn nhu cầu tâm linh, nhiều người cũng bất chấp sự lây lan dịch bệnh. Tại phủ Tây Hồ, dù các cơ quan chức năng đã dựng rào chắn nhưng nhiều người vẫn đến vái vọng ở bên ngoài. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh phải lên tiếng cảnh báo: "Vừa qua, có hiện tượng tập trung đông người đi lễ tại Phủ Tây Hồ, đây là việc không nên vì có nguy cơ lây nhiễm dịch. Đề nghị các địa phương cần xem xét, quản lý lại theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố".

Còn nhiều điểm thờ tự, đền miếu khác, chính quyền khó có thể kiểm soát hết nếu người dân không tự giác chấp hành quy định không tập trung đông người.

Thật đáng sợ, sự mê muội, mê tín dị đoan là một loại dịch làm cho dịch COVID-19 lan nhanh hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn