MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rác thải nhấn chìm bờ biển Tịnh Kỳ, Quảng Ngãi hàng năm. Ảnh: Thanh Chung

Mang bùn thải nhận chìm ra biển, coi chừng mất không gian sinh tồn của dân

Thanh Hải LDO | 29/06/2023 06:09

Để nâng cấp luồng cảng Quy Nhơn, Bình Định, nhà thầu đang đề xuất cho nhận chìm gần 3,8 triệu m3 bùn thải ra biển. Phương án này đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng cảng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT, có vốn đầu tư hơn 694 tỉ đồng, mở rộng nâng cấp 7.030m luồng từ phao số 0 đến vùng quay tàu bến số 1. Để thực hiện, đơn vị thi công phải nạo vét gần 3,8 triệu m3 chất thải rồi đem nhận chìm tại vùng biển cách bờ 6 hải lý.

UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản thống nhất vị trí đổ thải. Đó là khu vực có diện tích 100ha thuộc vùng biển Quy Nhơn, cách Cù Lao Xanh 11,7km phía Đông Bắc, cách các khu danh thắng, du lịch Kỳ Co, Eo Gió, khu FLC Quy Nhơn từ 18 – 21,3km về phía Đông Nam.

Dự án chắc chắn sẽ có nghiên cứu, thông qua báo cáo tác động môi trường theo đúng quy trình. Nhưng người dân đang thiếu niềm tin khi mang hàng triệu tấn bùn, chất thải ra vùng biển chỉ cách bờ chừng hơn 10km.

Không lo ngại sao được, bởi cho dù có nhấn chìm bùn thải xuống hàng chục mét nước, thì dao động sóng, hải lưu, nước biển cũng sẽ hòa tan, mang những bùn thải ấy loang rộng, dạt lại vào bờ. Ô nhiễm có thể chưa thấy ngay bằng mắt thường, nhưng thực tế đã có những rạn san hô ven bờ biển miền Trung dần lụi tàn, thủy hải sản cạn kiệt. Trong khi đó, dọc các bờ biển từ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... đang bị nhấn chìm bởi rác từ biển trôi dạt vào.

Một đất nước có bờ biển dài hơn 3.200km, và kinh tế biển chưa trở thành trụ cột. Các dự án đóng tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ đầu những năm 2000 đã từng không hiệu quả. Rồi đến chiến lược đóng tàu sắt 67 (Nghị định 67) vươn khơi mới đây cũng thất bại, hàng loạt ngư dân lâm nợ, bỏ biển.

Hiện ngư dân nhiều địa phương đang cố đầu tư nuôi trồng biển, hoặc chuyển đổi làm du lịch, dịch vụ... để bám biển. Nhưng nếu vùng biển ven bờ bị ô nhiễm, thủy sản cạn kiệt, du khách ngại đến vì rác thì thậm nguy.

Các đoàn thể, người dân, du khách đang phải vận động nhau đi nhặt từng túi rác để cứu biển thì hà cớ gì đi nhận cả triệu m3 chất thải ra biển, trong khi còn có nhiều phương án khả thi khác.

Phát triển kinh tế biển là cần thiết, nhưng giữ không gian sinh tồn cho dân, bảo vệ môi trường biển cũng cần thiết và cấp bách không kém.

Bảo vệ môi trường biển cũng chính là bảo vệ không gian sinh tồn của người dân. Đừng để mất biển như từng mảnh rừng đang mất trên lục địa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn