MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Siêu thị Big C.

Mất cứ điểm?

ANH ĐÀO LDO | 05/07/2019 09:29
Dù Big C khẳng định việc tạm dừng các đơn hàng chỉ là tạm thời và không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam. Nhưng một câu hỏi cần được đặt ra là chẳng hạn Big C hay các đại gia, chuỗi siêu thị thật sự nói “không” với hàng Việt thì điều gì sẽ xảy ra?

Hàng chục DN may mặc, buổi chiều ngày 3.7, đã giăng băng rôn biểu tình trước văn phòng đại diện Central Group, chủ sở hữu hệ thống BigC. Lý do: Hệ thống siêu thị này bất ngờ ngừng nhập hàng dệt may của DN Việt.

Nhưng nói “bất ngờ” là hoàn toàn không đúng.

Năm 2016, khi thị trường bán buôn, bán lẻ VN dậy sóng với ào ạt các thương vụ mua bán, sáp nhập, thôn tính, nguyên trưởng đoàn đàm phán VN gia nhập WTO, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ Trưởng bộ Thương mại - từng nhìn nhận: “Không có cách hiểu ngây thơ là các DN Thái mua lại hệ thống siêu thị Việt để tìm kiếm lợi nhuận từ bán lẻ. Cái họ tính chính là chiến lược xâm lấn hàng Thái sang VN. Từ các siêu thị lớn đã bị mua, hàng hóa Thái Lan nghiễm nhiên sang VN trong khi đó, hàng Việt bị đánh bật ra các hàng tạp hóa, vỉa hè, lòng lề đường...

Và “Đây thực sự là thất bại bởi sân của mình không giữ được thì sao chúng ta có thể đi đá sân nước ngoài được”.

Không bất ngờ, vì làn sóng mua bán, thôn tính đã được nhìn thấy từ trước.

Không bất ngờ, bởi bán lẻ là một trong những ngành “mở” nhất “thoáng” nhất trong các cuộc đàm phán. “Sự biến” Big C hôm nay, có thể chỉ là “tạm dừng” để cơ cấu - như cách Big C trốn tránh làn sóng giận dữ, tẩy chay từ mạng xã hội, nhưng cũng có thể là một chỉ dấu nguy hiểm khi hàng ngoại nhập, sau các FTA có thể đánh bật hàng nội trên các kệ hàng siêu thị. Một câu hỏi cần được đặt ra: Chẳng hạn Big C hay một đại gia bán lẻ nào đó quay lưng với hàng Việt thì điều gì sẽ xảy ra?

Các nguyên tắc của kinh tế thị trường, cũng như các thỏa thuận trong các FTA cho thấy không một nhà nước, chính phủ nào có thể bắt một nhà bán lẻ, một chuỗi siêu thị phải bán một loại hàng hóa nào đó.

Có nghĩa rằng, nếu “cứ điểm kinh doanh” của DN bị mất, họ cũng không thể đòi hỏi, yêu cầu hay chờ đợi một sự bảo hộ mang tính chất nhà nước được.

“Cứ điểm” là từ của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khi ông đánh giá vai trò của hệ thống bán lẻ đối với các DN. Độ mở của thị trường cũng như các cam kết từ các hiệp định thương mại cho thấy chỉ có DN mới tự giành giật lại “cứ điểm” của mình. Giành giật, bằng hàng hóa với chất lượng và giá thành có thể cạnh tranh. Chứ cái băng rôn giăng ra hôm nay, thực ra không thể là cách giải quyết rốt ráo được. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn