MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động bị nợ lương nhiều tháng, kinh phí bảo trì chưa phân bổ, ngành đường sắt đang kêu cứu. Ảnh: Lâm Anh

Mấy vạn công nhân nguy cơ đói ăn và một "đoạn ruột thừa"

Anh Đào LDO | 15/04/2021 10:33

25.000 lao động trong Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang bị ảnh hưởng “không có thu nhập”. Những người tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đứng trước nguy cơ phải bỏ việc vì không nhận được tiền.

Lời kêu cứu vừa được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gửi lên Thủ tướng.

Và kèm theo sự bi thảm của những người đến lương cũng bị nợ là tình trạng VNR “khó có thể trụ vững đến hết tháng 4.2021” vì bị đẩy đến bước đường cùng.

Xin mở ngoặc, đây không phải là lần đầu VNR kêu cứu. Hồi tháng 2, khi “chưa nhận được dự toán”, 11.315 lao động đã ở vào tình trạng này. Có nghĩa là làm thì vẫn làm, nhưng lương thì chưa có.

Chúng ta nói nhiều đến “thảm cảnh”, đến sự khốn cùng của ngành đường sắt, rất nhiều năm qua. Trong các lý do, cần phải thẳng thắn, có nguyên nhân là từ quản lý, từ yếu kém... chẳng có gì phải bênh cả. Thậm chí, với những doanh nghiệp nhà nước yếu kém thì giải pháp tốt nhất không phải là “cho bú mớm” mãi mà phải giải thể nó đi.

Nhưng đằng sau lời kêu cứu hôm nay là đời sống, sinh kế, là cơm áo của 2,5 vạn lao động, 2,5 vạn gia đình, những người chỉ có mỗi cái “lỗi” là chăm chỉ làm lụng, kiên nhẫn vô bờ bến khi đến cả lương cũng bị nợ.

Nhưng đằng sau thảm trạng của VNR hôm nay còn có một nguyên nhân không thuộc về họ: Đó là sự vô lý trong cơ chế giao dự toán bảo trì.

Theo VNR, dự toán bảo trì, thay vì giao thẳng cho VNR như trước đây, thì Bộ GTVT lại đặt hàng cho VNR thông qua Cục Đường sắt.

Việc qua thêm một tầng nấc trung gian, và được gọi là quản lý này “tạo ra nhiều thủ tục hành chính... Đặc biệt là gia tăng cấp phép, phê duyệt đề án con... phá vỡ tính thống nhất giữa các hoạt động quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt với công tác đảm bảo an toàn chạy tàu. Thậm chí “làm đình trệ hoạt động vận tải đường sắt, triệt tiêu vận tải đường sắt”- lời Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh.

Quản lý hơn 3.100km đường sắt với 2.800 tỉ đồng bảo trì, nhưng tới thời điểm này kinh phí vẫn chưa được giao xuống. Việc đứt đoạn nguồn tiền khiến 20 công ty con của VNR đang phải nợ lương công nhân nhiều tháng, cũng chẳng có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì.

Tại sao chúng ta phải duy trì thêm một tầng nấc trung gian? Tại sao phải có một “đoạn ruột thừa”? Đó là điều mà ít nhất 2,5 vạn lao động ngành đường sắt đang bị nợ lương không hiểu được, không chấp nhận được.

Cứ thử cắt phéng cái đoạn ruột thừa vô dụng ấy đi, biết đâu, nó sẽ có ý nghĩa tháo bớt đi những vòng kim cô cho doanh nghiệp, biết đâu, nó có thể là điểm khởi đầu để lành mạnh lại cơ thể đường sắt vốn đã đau ốm què quặt quá nhiều năm qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn