MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phải có giải pháp để thị trường xăng dầu ổn định. Ảnh: Ngọc Lê

Miếng “gân gà” Lọc hóa dầu Nghi Sơn và "con tin" của thị trường xăng dầu

Hoàng Lâm LDO | 19/05/2023 16:59

“Mỗi lần nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trục trặc, bị làm sao, chúng tôi mất ăn mất ngủ. Hiện nay, đã, đang và sẽ tiếp tục gặp tình trạng như vậy. Chúng ta phải làm thế nào, liệu có “không ngủ” mãi được không, phải có giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này".

Đó là trần tình của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải hôm 18.5 khi nói về vấn đề của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) - đơn vị sản xuất chiếm tới 35-40% nhu cầu của thị trường xăng dầu nội địa.

Khi NSRP “hắt hơi, sổ mũi” là thị trường xăng dầu trong nước gặp “sốt xình xịch”. Điều đáng nói là NSRP liên tục “hắt hơi sổ mũi” nhưng lần này nặng hơn. Hồi tháng 4, NSRP vừa có báo cáo gửi cấp trên liên quan việc thiếu hụt dòng tiền, không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính, thậm chí có nguy cơ dừng hoạt động.

NSRP là dự án liên doanh do 4 nhà đầu tư: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam góp vốn 25,1%; Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait góp vốn 35,1%; Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản góp vốn 35,1% và Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản góp vốn 4,7%; với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỉ USD.

Hai mục tiêu chính đặt ra cho NSRP khi vận hành là đảm bảo an ninh năng lượng và lợi nhuận. Cuối năm ngoái, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội công bố bản báo cáo cho thấy tình hình tài chính và sản xuất, kinh doanh NSRP là “liên tục thua lỗ, năm sau lớn hơn năm trước, âm vốn chủ sở hữu, phía Việt Nam thiếu quyền kiểm soát… trong khi dự án đang được hưởng những ưu đãi lớn, nhất là về cơ chế bao tiêu".

Con số đưa ra công khai: Trong 3 năm hoạt động từ 2018 - 2020, khi đưa vào vận hành thương mại, mức lỗ của Lọc dầu Nghi Sơn tổng cộng đã lên đến 61.200 tỉ đồng. Dự kiến đến hết năm 2023 phải bù giá khoảng 15.727 tỉ đồng cho NSRP cho thấy mục tiêu lợi nhuận đã thất bại.

Trong khi đó, với tỉ lệ góp vốn 25,1%, PVN hầu như không có tiếng nói trong những vấn đề nội tại của NSRP, điều này cho thấy mục tiêu đảm bảo an ninh về năng lượng cũng khó thực hiện.

Đối chiếu hai mục tiêu, NSRP trở thành “miếng gân gà” đắt giá. Tăng hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho thương nhân khi Lọc hóa dầu Nghi Sơn trục trặc chỉ là giải pháp tạm thời.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 yêu cầu cơ sở lọc dầu trong nước đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước và đảm bảo mức dự trữ chiến lược xăng dầu tối thiểu 90 ngày nhập ròng.

Thị trường xăng dầu không thể phụ thuộc vào một doanh nghiệp mà Việt Nam không thể kiểm soát. Lãnh đạo Bộ Công Thương cần phải mất ngủ, không phải vì Lọc hóa dầu Nghi Sơn trục trặc mà là tìm cách để không thể có những "con tin" đối với thị trường xăng dầu.

Trách nhiệm đó thuộc Bộ Công Thương, chứ không phải tự đặt ra câu hỏi: “Chúng ta phải làm thế nào”…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn