MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xăng dầu, đầu vào của rất nhiều ngành kinh tế đang tăng ở mức kỷ lục từ tháng 2, và thuế phí trong mỗi lít xăng thậm chí lên tới 60%. Ảnh minh hoạ: CN

Mốc giảm giá xăng dầu: Sớm nhất có thể là bao giờ?

Anh Đào LDO | 01/10/2021 14:27

Mốc “không chờ đến 16.11” được Bộ Công thương đưa ra trước yêu cầu sớm giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như: điện, xăng với mức từ 10 - 30%. 

Đề xuất giảm giá một số mặt hàng thiết yếu, chẳng hạn 10-30% với xăng dầu- được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp từ tuần trước. Thủ tướng, ngay sau đó cũng đã yêu cầu nghiên cứu, tính toán các yếu tố, dư địa có thể khai thác để giảm giá xăng.

Đến hôm qua, ngày cuối tháng 9, Bộ Công thương đưa ra một thời hạn “sớm nhất có thể, không chờ tới 16.11”.

Các doanh nghiệp xăng dầu đang có lãi tới 1.067 đồng/lít xăng dầu; chu kỳ tính giá cơ sở là 15 ngày... Thế thì việc giảm giá xăng dầu vì sao không phải là 15.10, thay cho một hạn định rất cao su “sớm nhất có thể, không chờ tới 16.11”.

Sớm nhất có thể là bao giờ?

Tin tích cực là Bộ Công thương đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này ở mức phù hợp.

Có lẽ thuế phí mà mỗi lít xăng dầu phải gánh chính là dư địa có thể khai thác mà Thủ tướng muốn nói tới.

Theo tính toán của Bộ Công thương, tỷ trọng thuế, phí trong xăng dầu đang ở mức rất cao: 55-60% đối với mặt hàng xăng; 35-40% với mặt hàng dầu. Riêng thuế bảo vệ môi trường đã chiếm tới 32% với xăng và từ 11-20% đối với dầu.

Phải mở ngoặc là ở lần tăng giá hôm 25.9, mỗi lít xăng Ron 95 đã là 21.940 đồng, RON 92 cũng lên tới 20.710 đồng. Mức giá cao nhất kể từ tháng 2. Tức là so với tháng 2, mỗi lít xăng đã đắt thêm từ 4.410 đến 4.670 đồng.

Xăng dầu là đầu vào của rất nhiều ngành kinh tế. Ngoài thuế xăng dầu cũng đang gánh rất nhiều “những thứ không phải là thuế” như chi phí định mức, lợi nhuận định mức và cả quỹ bình ổn.

Chẳng hạn với mỗi lít xăng E5 trước thời điểm tăng giá 25.9 là 11.950 đồng/lít. Thì thuế và các khoản “không phải là thuế” tổng cộng tới 7.550 đồng/lít, chiếm tới 63% trên tổng giá bán lẻ mỗi lít.

Nền kinh tế đang phục hồi trở lại. Và giờ đây, mỗi yếu tố tăng chi phí đầu vào cần được xem xét để có thể giảm tối đa, giảm ngay và luôn được không.

Hôm nay, 1.10, TP HCM đã mở cửa trở lại, vậy mà một yếu tố phục hồi sản xuất quan trọng, được chính Thủ tướng, Bộ KH và ĐT đề cập với mức giảm từ 10-30% lại chỉ được đưa ra với một thời hạn quá là mơ hồ.

Sớm nhất có thể, không chờ tới 16.11.

Bởi nếu đến 15.11 mới giảm (tháng rưỡi nữa), cũng có thể coi là “không chờ tới 16.11” mà!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn