MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 400 tấn rác thải sinh hoạt ở đầm nước mặn Sa Huỳnh đã được thu gom trong 1 ngày để đưa đi xử lý. Ảnh: Ngọc Viên

Mỗi người phải có trách nhiệm với rác thải của mình mới giảm ô nhiễm môi trường

Thanh Hải LDO | 07/09/2023 19:24

"Cả tháng trời, dân ngăn đường, cản xe vào bãi rác". "Dân bức xúc vì bãi rác gây ô nhiễm". "Rác thải nhấn chìm cả vịnh biển"... Đó là những bản tin xuất hiện thường xuyên trên mặt báo hàng ngày, khắp các địa phương trên cả nước. Xung đột với rác thải, ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, song giải pháp chưa bền vững.

Chỉ sáng 7.9, trên trang chính Laodong.vn có đến 2 thông tin liên quan đến phản ứng của dân về vấn nạn ô nhiễm môi trường tại các bãi rác thải ở tỉnh Bến Tre và Ninh Bình.

Trong đó, liên tiếp hơn 1 tháng trời, người dân ở các xã An Đức, An Hiệp, huyện Ba Tri (Bến Tre) đã "cố thủ" ngăn đường, chặn xe, không cho đổ thải vào bãi rác An Hiệp, phản đối vì ô nhiễm.

Tại Ninh Bình có trên 300 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày thuộc khu vực nông thôn, thiếu chỗ chứa, đang vứt tràn lan ra đường. Dân bức xúc vì hầu hết làng quê đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng phải sống chung với rác, ô nhiễm.

Đây là câu chuyện chung của nhiều tỉnh thành cả nước. Trước đó, giữa tháng 8.2023, Quảng Ngãi cũng đã phải huy động cả nghìn người và phương tiện cơ giới để dọn rác trên vịnh biển Sa Huỳnh.

Sở dĩ đầm Sa Huỳnh bị "nhấn chìm" trong rác thải là vì liên tiếp 4 năm nay rác thải sinh hoạt của cư dân thị xã Đức Phổ không được thu gom triệt để. Nguyên nhân chính là nhà máy xử lý rác thải tại đây không triển khai được, vì dân phản đối vị trí xây dựng. Không có nhà máy, không có bãi chứa, rác thải sinh hoạt của chính người dân đã nhấn chìm cả không gian sống của họ ở vùng biển này.

Việc dân mang vật dụng ra đường chặn xe rác gần như xảy ra thường xuyên, hàng năm ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... bởi hầu hết việc xử lý rác thải ở các địa phương hiện nay chỉ theo phương thức chôn lấp, chất thành núi, chiếm nhiều diện tích, gây ô nhiễm cả không khí lẫn nước ngầm.

Tuy nhiên, để xây dựng các nhà máy xử lý rác thải, đốt rác phát điện... thay thế phương thức chôn lấp lỗi thời không hề dễ.

Ngay vụ "khủng hoảng" rác ở Bến Tre, cũng phải chờ đến khoảng năm 2026, khi Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre tái đầu tư và hoạt động trở lại thì mới "giải phóng" cho bãi rác An Hiệp. Nhưng đó cũng mới là lời hứa của Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) đương chức, còn kết quả có đúng cam kết không là một chuyện khác.

Bởi, như trường hợp Đà Nẵng, đã 3 đời Giám đốc Sở TNMT, và sau hơn 10 năm triển khai, thì nhà máy xử lý rác thải vẫn còn trên lời hứa. Hiện, mỗi ngày Đà Nẵng thu gom từ 1.800 đến 2.500 tấn rác, nhưng chỉ có một bãi rác Khánh Sơn xử lý bằng phương pháp chôn lấp, thường xuyên bốc mùi hôi, dân liên tục phản đối, ngăn đường...

Đương nhiên, trách nhiệm trực tiếp, trên hết đối với vấn nạn ô nhiễm rác thải vẫn là ngành TNMT, chính quyền các địa phương. Nhưng sự thiếu trách nhiệm, thậm chí vô ý thức trong sinh hoạt, thải rác bừa bãi, người dân đang tự gây khó cho môi trường sống của mình.

Việc phân loại rác thải tại nguồn để tái sử dụng, giảm thiểu nguồn thải... đã tốn nhiều công sức tuyên truyền, đầu tư của chính quyền, nhưng không nơi nào thực hiện hiệu quả.

Chỉ cần vứt rác đúng quy định, tham gia dọn rác 1 ngày, người dân thị xã Đức Phổ đã làm sạch mặt vịnh biển Sa Huỳnh mà chính họ đã xả thải trong 3-4 năm qua. Chỉ cần tự giác phân loại rác thải, tự ý thức không vứt rác bừa bãi, cùng vận động du khách và dân không sử dụng túi nilong mà xứ đảo Cù Lao Chàm, Hội An sạch như thiên đường...

Chậm đổi mới phương thức xử lý, xây dựng các nhà máy rác là lỗi của chính quyền, nhưng để giảm thiểu vấn nạn ô nhiễm môi trường, rất cần ý thức tự giác, sự chung tay của từng người dân, từng cộng đồng nhỏ từ làng quê, tổ dân phố... Miệt mài chặn xe, cố thủ ngăn đường xe chở rác đến bãi thải sẽ không giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn