MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Mỗi nhà báo phải là một sứ giả văn hoá

Hoàng Lâm LDO | 21/06/2023 07:16

Tròn 1 năm trước, ngày 21.6.2022, phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí được phát động. Sự chuyển biến ở nhiều cơ quan báo chí cho thấy phong trào đã đi vào thực chất.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam - đã khẳng định: Báo chí là văn hóa thì tất nhiên đòi hỏi người làm báo phải có văn hóa, nhà báo coi tác nghiệp của mình là hoạt động văn hóa, có văn hóa là yêu cầu quán xuyến cuộc đời nghề nghiệp của bất kì ai dấn thân vào nghề báo, viết văn hay làm nghệ thuật.

Nghĩa là văn hoá trong hoạt động báo chí không phải là điều gì xa lạ, to tát mà nó phải thể hiện ngay từ quá trình tác nghiệp, từng dòng tin, khuôn hình… Nhà báo phải coi tác nghiệp là một hoạt động văn hoá.

Nhưng tại sao vấn đề văn hoá trong cơ quan báo chí lại được quan tâm hơn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Là bởi, trong quá trình phát triển của kinh tế, xã hội, công nghệ… vẫn còn không ít nhà báo, cơ quan báo chí xa rời các chuẩn mực văn hóa, thậm chí có những hành vi, biểu hiện lệch chuẩn, chạy theo xu hướng thương mại hóa, biến tờ báo thành công cụ phục vụ thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, xa rời nhiệm vụ chính trị và giá trị nhân văn.

Tại Đại hội Hội Nhà báo toàn quốc nhiệm kì 2021-2025, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (khi đó là Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư) đã rất thẳng thắn nhìn nhận: “Một bộ phận nhà báo còn thiếu tính chuyên nghiệp; thiếu tinh thần tự học, tự bồi dưỡng; thậm chí có tình trạng chữ nghĩa vụng về, cẩu thả; trình độ tin học, ngoại ngữ, hiểu biết thông lệ, luật pháp quốc tế và giao lưu quốc tế còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông kĩ thuật số…

Một số cơ quan báo chí và người làm báo chạy theo thị hiếu tầm thường, lợi ích cá nhân, sa đà vào thông tin mặt trái của xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục, thậm chí làm sai lệch bản chất sự việc”.

Khi xa rời văn hoá, nhà báo đã không làm tròn nhiệm vụ, bổn phận của mình. Chỉ có những nhà báo - văn hoá mới có thể xây dựng được những cơ quan báo chí có văn hoá. Để trở thành cơ quan báo chí văn hóa, phải đáp ứng được 4 tiêu chuẩn: Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp - Thượng tôn pháp luật - Có môi trường công sở văn hóa - Có thương hiệu, uy tín, tầm ảnh hưởng.

Đạo đức trong sạch, thượng tôn pháp luật, tự khắc nhà báo, cơ quan báo chí sẽ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất cách mạng của người chiến sĩ cầm bút trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, hành nghề có trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc, nhân dân, với gia đình, đồng nghiệp.

Mỗi nhà báo phải là một sứ giả văn hoá, mỗi cơ quan báo chí phải là những con thuyền văn hoá trong dòng chảy của dân tộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn