MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội phụ nữ phường Bưởi tham gia bảo vệ Hồ Tây ngày Ông Công Ông Táo để Hồ Tây chỉ có thả cá, không thả túi Nilon. Ảnh: Đỗ Đăng Thế.

Môi trường sống phụ thuộc vào hành động của chính chúng ta

Anh Đào LDO | 27/01/2019 14:06

Giữa việc Hoàng Lê Giang ngừng chuỗi trà sữa vì ống hút và những người dân “san” bãi đá có một khoảng cách là nhận thức. Khoảng cách ấy là vô hình nhưng đoạn kết lại là kết quả hoặc hậu quả.

Không cần băng rôn khẩu hiệu, không nhiều lời lẽ đao to búa lớn, những người phụ nữ phường Bưởi đang luân phiên bảo vệ Hồ Tây bằng cách nhắc nhở, thu gọn túi nilon trong dịp cúng “ông Công ông Táo” vì một Hồ Tây chỉ có cá, không túi nilon.

Tháng 4.2018, Hoàng Lê Giang tự tay đóng cửa chuỗi trà sữa của mình dẫu các cửa hàng mang lại 40-50 triệu đồng tiền lãi.

Trên Zing, Lê Giang giản dị tâm sự: Đặc thù ngành trà sữa là bán trong cốc nhựa kèm ống hút sử dụng một lần. Những vật dụng này đem đến sự tiện lợi trong vài chục hay trăm phút, nhưng là rác lưu lại Trái đất vài trăm năm. Giang từng khuyến khích khách tự mang đồ đựng để hưởng giảm giá, nhưng Giang bất lực chứng kiến dòng khách này cực hiếm hoi. Thậm chí, người mua "take away" (mang đi) nhiều khi không cần đến túi nylon đựng ngoài nhưng nhất định đòi đủ bộ.

Là nhân vật truyền cảm hứng, Hoàng Lê Giang thường đứng trò chuyện trước các sinh viên đại học. Mỗi lần như vậy, anh ra sức chia sẻ thông điệp môi trường của mình. Bán trà sữa dù lãi cao, lại khiến anh không yên: "Mình khuyên họ thế, trong khi bản thân xả rác, nó kỳ".

Và đó là lý do duy nhất khiến anh đi đến quyết định đóng quán trà sữa đang làm ăn tốt.

Tôi nhớ lại câu chuyện của Hoàng Lê Giang và “cảm hứng” mang tới khi sáng nay chứng kiến những người phụ nữ ngồi trên các bậc tam cấp dẫn xuống Hồ Tây để nhắc nhở người dân thả cá chứ không thả túi nilon.

Một hành động tuyệt vời. Và cũng như Hoàng Lê Giang, nó không đơn giản chỉ là để Hồ Tây hay đất nước bớt được đi vài chiếc ống hút nhựa, dăm chiếc túi nilon và hành động của họ còn truyền cảm hứng cho biết bao nhiêu người.

Nhớ năm nào, khi Luật Bảo vệ môi trường được thảo luận trước Quốc hội, có nghị sĩ đã nói quá chí lý, rằng cơ chế “cộng đồng dân cư” tham gia vào việc bảo vệ môi trường chỉ thực sự thôi là khẩu hiệu khi họ hiểu được rằng đó cũng chính là việc bảo vệ môi trường sống cho chính họ.

Hôm qua (26.1), không khí Hà Nội ở vào mức “gần như nguy hại” khi chỉ số AQI rực một màu đỏ và nguyên nhân, một phần từ những phương tiện quá hạn sử dụng đang không ngừng xả khói trong một đám ùn tắc nào đó.

Hôm kia, bãi đá 7 màu độc nhất vô nhị ở Tuy Phong bị xâm hại nghiêm trọng khi một người dân san ủi trái phép ủi đẩy phần đất dư thừa về phía biển.

Giữa những người phụ nữ gom thu từng chiếc túi nilon ném xuống Hồ Tây và những vô tư xả khói, ném rác cũng chỉ có khoảng cách là nhận thức.

Giữa việc Hoàng Lê Giang ngừng chuỗi trà sữa vì ống hút và những người dân “san” bãi đá có một khoảng cách là nhận thức. Một nhận thức được thành hình từ giáo dục.

Khoảng cách ấy là vô hình nhưng đoạn kết lại là kết quả hoặc hậu quả. Và vì thế, nó tùy thuộc vào hành động của chúng ta với môi trường sống của chính mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn