MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Suốt thời gian không có nguồn thu nhập chính, không hiểu những "chủ nợ" sẽ sống bằng gì! Ảnh: Minh Hương

Món nợ của nợ

Anh Đào LDO | 19/06/2021 07:09

Quay cuồng! Tủi nhục- Cảm xúc của Uyên khi giãi bày việc bị nợ lương suốt từ tháng 7.2020.

Chị Minh Uyên là công nhân Công ty Minh Quân. Nghề nghiệp của chị như thế nào - thì đấy: Tấm ảnh vừa được phóng viên Báo Lao Động chụp có lẽ đã nói lên tất cả.

Từ đầu năm 2021, khi Công ty Minh Quân không trúng thầu gói duy trì vệ sinh môi trường quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), thì những lao động như chị bị thành "chủ nợ" - từ tháng 7.2020 đến cuối 2020.

Thế thì những người như chị Uyên sống bằng gì? Vấn đề ở chỗ là không ai trả lời cho họ, ngoài chính họ.

Nợ lương 1 tháng đã khốn, nợ đến gần cả năm thì đúng là họ không kiên nhẫn nổi nữa. Khi mà chi phí tiền nhà tiền nước, tiền ăn tiền ở, tiền học tiền hành.... khiến những người như họ đúng là quay cuồng.

Có 200 chị Uyên ở Công ty Minh Quân - là nạn nhân của sự "nợ" như thế!

Vay mượn khắp nơi. Làm thêm việc rửa bát... Họ đang nỗ lực xoay sở với tình trạng đúng là tủi nhục: Con cái xấu hổ không dám đến trường vì bị nhắc nhở chậm đóng học phí. Tết nhất chầu chực đòi nợ cả ngày nhưng chẳng ai đoái hoài.

Và tình trạng cứ mãi tiếp diễn, mãi tiếp diễn, dẫu báo chí, kêu gào khản cổ thay cho họ.

Những người lao động vỉa hè bị nợ lương không ai đoái hoài. Cậu bé lớp 5 ở vùng cao vùng xa Cư Jut, Đắk Nông rơi cảnh thất học vì thiếu 500 ngàn đồng tiền quỹ trường, quỹ lớp. Vô cảm đến mức ngay cả thầy giáo chủ nhiệm đã trực tiếp trình bày hoàn cảnh gia đình, nhưng ông hiệu trưởng vẫn kiên quyết giữ hồ sơ... để thu cho bằng được tiền.

Những ví dụ cho thấy dù chỉ là cá biệt, nhưng đúng là đang có những người lọt lưới an sinh. Có những người đang bị bỏ rơi. Có những người đang bị chà đạp. Mà bản thân tiếng kêu của họ gần như không thấu, hoặc bị thản nhiên bỏ qua.

Chúng ta hãy xét đến cái kết của 2 câu chuyện này:

Hôm qua, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin việc hơn 200 công nhân vệ sinh môi trường bị nợ lương và “có biện pháp xử lý theo quy định để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân”. Hạn định là ngày 30.6.

Còn ở Đắk Nông, chính quyền cũng đã thành lập đoàn giải quyết đơn tố cáo đối với ông Hiệu trưởng với cam kết sẽ xử lý nghiêm.

Có lẽ, việc không để ai bị bỏ lại không chỉ bao hàm chuyện áo cơm mà còn cần là sự bảo vệ nhất là đối với những bộ phận yếu thế trong xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn