MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà phát biểu tại một phiên thảo luận tại Quốc hội. Ảnh: Chính phủ

Một đột phá của Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Đào Tuấn LDO | 13/11/2020 06:56

Các giáo sư tiến sĩ “ngồi” hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án sẽ là những cái tên cụ thể. Báo cáo ĐTM, quan chức ký cấp phép môi trường... Tất cả sẽ... công khai trước toàn dân.

Có một câu chuyện rất lý thú xảy ra trong buổi đối thoại với các chuyên gia về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Khi Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi Trường Võ Tuấn Nhân dẫn đủ thứ, từ luật Tiếp cận thông tin, Luật Doanh nghiệp để đề nghị phải “cân nhắc” việc công khai báo cáo ĐTM, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ngay lập tức ngắt lời, rằng: Luật đã quy định doanh nghiệp phải công khai thì cơ quan quản lý nhà nước cũng công khai.

Bộ trưởng cũng ngay lập tức yêu cầu phải đề nghị tiếp thu quy định công khai báo cáo đánh giá ĐTM vào dự thảo luật. Cả danh sách hội đồng thẩm định các báo cáo ĐTM nữa, ông yêu cầu phải công khai, để “gắn trách nhiệm”.

Câu chuyện diễn ra vào ngày 5.11. Đúng một tuần sau đó, ngày 11.11, những gì Bộ trưởng nói đã hiện hữu trong dự thảo luật.

Vậy là lần đầu tiên có riêng một điều luật quy định công khai thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Lần đầu tiên, các giáo sư tiến sĩ ngồi hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM sẽ là những cái tên cụ thể.

Minh bạch, công khai thì bao giờ cũng là chìa khoá giải quyết mọi khuất tất.

Bởi quy định về sự công khai báo cáo ĐTM này đã trả lại cho dân quyền được biết, quyền được có ý kiến về những gì sẽ ảnh hưởng đến họ từ các dự án liên quan đến môi trường.

Bởi việc công khai những giáo sư tiến sĩ, những người thẩm định báo cáo ĐTM sẽ “tránh được việc chuyên gia ngồi nhầm hội đồng vì mối quan hệ”, sẽ ràng buộc trách nhiệm đến từng cái tên, đến những cá nhân cụ thể - sẽ như một bài thuốc đặc trị cho những xuê xoa, dễ dãi, thậm chí thoả hiệp phía sau.

Còn nhớ sau khi hồ Kẻ Gỗ đứng trước nguy cơ phải xả tràn, báo chí nhắc lại một “kịch bản đen” về nguy cơ 346 triệu m3 nước sẽ tạo ra một “cơn sóng thần”, cuốn phăng toàn bộ những gì dòng chảy đi qua.

Hồ Kẻ Gỗ và những “kịch bản đen” cho thấy tầm mức quan trọng của những đánh giá tác động, không chỉ để người dân biết, phòng tránh, mà còn là một dữ liệu cực kỳ quan trọng trong việc ứng phó.

Nhưng đột phá ấy sẽ rơi vào ngõ cụt nếu nó không gắn với những chế tài.

Có một câu chuyện thực tế là Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã quy định công khai báo cáo ĐTM, nhưng suốt 6 năm qua, chẳng ai biết nó công khai ở đâu.

Và trước những báo cáo ĐTM như một bí mật người dân không thể tiếp cận - cũng chẳng ai làm sao cả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn