MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh T.V.A (32 tuổi, Hà Nội) thua lỗ 1,2 tỉ đồng do đầu tư game NFT. Ảnh: Nhóm PV

Một hành lang pháp lý cho tiền ảo là vấn đề cấp thiết

Hoàng Văn Minh LDO | 05/11/2023 12:04

Không chỉ Nhà nước thất thoát thuế rất lớn mà người dân còn “tiền mất tật mang” khi Việt Nam vẫn chưa có một hành lang pháp lý liên quan đến tiền ảo.

Báo Lao Động vừa có loạt bài “vạch trần thế giới ngầm game NFT”, liên quan đến tiền ảo. Với việc rất nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ, mất trắng mất hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD vì “đổ tiền” vào những tựa game này.

Tiền ảo (tiền mã hóa) và mất tiền thật vì tiền ảo như vụ game NFT là chuyện không mới mẻ gì ở Việt Nam.

Bởi bắt đầu khoảng từ năm 2015 - thời điểm tiền ảo bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam đến nay, trên thị trường đã có hàng trăm đồng tiền ảo của hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhiều cách thức huy động vốn khác nhau.

Trong đó, có những đồng tiền ảo có cả hệ sinh thái hoạt động với vốn hóa lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Mới nhất, theo thống kê của báo Wall Street Journal (Mỹ), chỉ tính trong tháng 5.2023, Việt Nam nằm trong số 5 nước có khối lượng giao dịch lớn nhất trên sàn Binance, đạt số tiền 20 tỉ USD.

Còn tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) dẫn báo cáo của Blockchain Chainalysis rằng trong thời gian từ tháng 7.2021 đến 6.2022, thị trường Việt ghi nhận 112,6 tỉ USD tiền điện tử được giao dịch, đứng thứ hai Đông Nam Á.

Nói gì thì nói, tiền ảo vẫn đã và đang là một xu thế. Và hiện có nhiều nước trên thế giới đã công nhận, hợp thức hóa việc giao dịch bằng tiền ảo cũng như công nhận tiền ảo là tài sản.

Trong khi ở Việt Nam, tới thời điểm này, Nhà nước vẫn không công nhận tiền ảo là tài sản, là sản phẩm và chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Mặc dù từ rất sớm - năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã 6 năm trôi qua, những đơn vị được lãnh đạo Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện vẫn chưa đưa ra được quy định cụ thể để quản lý tiền ảo, tài sản số.

Hậu quả là chúng ta đã và đang thất thu một lượng thuế rất lớn căn cứ trên các con số về giao dịch tiền ảo. Và quan trọng hơn, vì đang tranh tối tranh sáng nên tiền ảo đang là môi trường béo bở cho những người làm ăn bất chính lừa đảo thông qua hình thức huy động vốn với lãi suất hứa hẹn rất cao so với ngân hàng.

Quan trọng hơn nữa là khi xảy ra việc tranh chấp hay mất tiền, như vụ game NFT, các đương sự ôm đơn đi gõ cửa cơ quan chức năng cầu cứu thì cơ quam chức năng cũng bối rối không biết xử lý thế nào vì rất khó xác định hành vi.

Vậy nên, một hành lang pháp lý cho vấn đề tiền ảo, bao gồm cả việc cấm hay công nhận là một vấn đề vô cùng cấp thiết có tính "chữa cháy nhà" chứ không phải dự phòng bởi các lý do như đã phân tích.

Và việc có đến những 6 năm nhưng các cơ quan chức năng Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện vẫn chưa đưa ra được quy định cụ thể để quản lý tiền ảo, tài sản số là một thực tế không thể nào chấp nhận được với bất cứ lý do gì.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn