MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh xả tràn hồ Kẻ Gỗ. Ảnh: Trần Tuấn.

Mưa lũ, xác suất 1.000 năm và nguy cơ 1.200 quả bom nước

Đào Tuấn LDO | 03/11/2020 06:28

Dù được tính toán với xác suất 1.000 năm mới có một lần phải phá tràn, nhưng sự biến hồ Kẻ Gỗ, với cả phương án phá tràn cho thấy những nguy cơ, những bất trắc ngày càng gần hơn. Trong khi cả nước có tới 1.200 hồ đập ở ngưỡng “nguy cơ mất an toàn”.

“Nếu lũ tràn qua mặt đập hồ Kẻ Gỗ thì vô cùng nguy hiểm. Dù đập đất hay đập đá đều không được phép để nước lũ tràn qua trong bất cứ tình huống nào. Tràn qua là vỡ đập, là thành thảm họa” - Ngoặc kép là phát biểu của PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu.

Cần phải nhắc lại, trong đợt mưa lũ vừa qua, mực nước hồ Kẻ Gỗ hôm 19.10 đã lên tới 33,8m, tức là vượt qua ngưỡng an toàn 32,5m. Và Hà Tĩnh đã phải chuẩn bị phương án phá tràn. Nói nôm na, là chủ động chọn thiệt hại, để tránh thảm họa.

Có một chi tiết đáng chú ý: Việc phá tràn hồ Kẻ Gỗ, được thiết kế với tính toán theo xác suất 1.000 năm mới có một lần.

Vận hành từ năm 1979, có nghĩa là không phải chờ đến xác suất 1.000 năm, một xác suất kiểu như loại bỏ khả năng phá tràn - thì nguy cơ đã đến. Rất gần.

Điều đó cho thấy mức độ khốc liệt, khó lường của thiên tai.

Và Kẻ Gỗ, với hiện hữu xác suất thảm họa, cho thấy sự an toàn của các hồ đập không còn có thể trông mong vào tính toán thiết kế được nữa.

Chúng ta có một con số rất kinh khủng, được công bố trong Báo cáo giám sát của Ủy ban KH-CN và MT của QH: Có tới 1.200 hồ đập đang ở vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn rất cao.

Và chúng ta cũng đã có cảnh báo: 1.200 hồ đập này, như 1.200 quả bom nước, trong điều kiện thiên tai bất thường đến mức không thể đong đếm chính xác, đến mức vượt qua mọi tính toán.

70 sự cố hồ đập trong 10 năm. Con số ấy là quá nhiều, cho sự an toàn của người dân mà lý do hồ đập xuống cấp, ẩn họa nguy cơ “bom nước” vì thiếu tiền trở nên không thể chấp nhận được.

Sau sự biến, hồ Kẻ Gỗ “tạm an toàn”, vì may mắn, khi lượng mưa giảm đúng vào “phút 89”.

Nhưng nếu không từ sự biến hồ Kẻ Gỗ để nhìn ra những nguy cơ thực sự, khi thiên tai đưa xác suất thiết kế nghìn năm trở thành lạc hậu, nhưng nếu vẫn để tồn tại lý do thiếu tiền đối với những nguy cơ, nhưng nếu vẫn trông chờ vào may mắn thì không có gì đảm bảo 1.200 nguy cơ kia sẽ không thành thảm họa vào một ngày nào đó.

An ninh nguồn nước, an toàn hồ đập… điều đó có ý nghĩa gì khi phải đánh đổi bằng sự an toàn, bằng tính mạng người dân?!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn