MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hơn 5 năm người lao động của Hãng phim truyện Việt Nam không được hưởng lương và đóng BHXH. Ảnh: Minh Hạnh

Muốn công nghiệp điện ảnh, trước hết đừng để người lao động đi đòi lương

Hoàng Văn Minh LDO | 12/12/2023 09:30

Một mặt chúng ta hô hào phát triển công nghiệp điện ảnh. Một mặt, chúng ta lại để người lao động của Hãng phim truyện chờ lương hơn 60 tháng.

“Điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế; từng bước xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế” là mục tiêu quan trọng trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Và mục tiêu này lần nữa được Cục trưởng Cục Điện ảnh, họa sĩ Vi Kiến Thành nhấn mạnh tại hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam” được tổ chức tại Đà Lạt (Lâm Đồng) mới đây trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23.

Tại hội thảo này, đã có rất nhiều ý kiến hay được đề xuất nhằm phục vụ cho ý tưởng “điện ảnh vừa là nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế”.

Ví dụ như kiến nghị Chính phủ cần có thêm sự ưu đãi về thuế. Kiến nghị thay đổi phương thức đào tạo con người có kỷ luật, có khả năng làm việc nhóm và có ý thức (ý tưởng, ý muốn) làm ăn lớn. Kiến nghị tạo điều kiện cho Lâm Đồng và các địa phương xây dựng các phim trường - “nhà máy sản xuất” của công nghiệp điện ảnh…

Nhìn chung thì kiến nghị nào nêu ra tại hội thảo cũng hay, cũng thiết thực và cấp thiết đối với việc phát triển điện ảnh nói chung và công nghiệp điện ảnh nói riêng trong bối cảnh hiện nay.

Tuy vậy, trong lúc tại Lâm Đồng, những nhà quản lý, đạo diễn, quan chức đang kiến nghị những vấn đề vừa kể thì ở Thủ đô Hà Nội, gần 40 lao động của Hãng Phim truyện Việt Nam vẫn đang miệt mài đi gõ cửa các cơ quan chức năng để đòi tiền lương bị nợ cùng nhiều quyền lợi khác.

Đáng nói là việc những lao động này bị nợ lương, BHXH đã hơn 5 năm nay, chỉ sau một thời gian Hãng phim được cổ phần hóa. Và từ đó đến nay, nhiều lần người lao động làm đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng. Thậm chí Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc, nhưng đến nay mọi thứ vẫn chưa có tiến triển.

Hãng Phim truyện Việt Nam vốn là cánh chim đầu đàn của điện ảnh cách mạng Việt Nam với rất nhiều tác phẩm kinh điển. Nhưng sau khi cổ phần hóa, hãng phim này gần như dừng mọi công việc hoạt động nghệ thuật.

Và cay đắng hơn là vì không được trả lương, nên rất nhiều người lao động của hãng phim là những nghệ sĩ tên tuổi phải chạy xe ôm, bán hàng online và những công việc không đúng với chuyên môn, nghiệp vụ để sống qua ngày.

Để nghệ thuật điện ảnh của Việt Nam là “một ngành kinh tế” có thể vươn tầm bàn chuyện “làm ăn”, “buôn bán” với khu vực và thế giới thì trước mắt còn rất nhiều chuyện cần phải làm, phải giải quyết.

Và việc cần làm ngay là phải giải quyết dứt điểm, đừng để kéo dài thêm nữa chuyện nợ lương cũng như công ăn việc làm tới đây của gần 40 lao động của Hãng phim truyện Việt Nam!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn