MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
300 con gà giống được cấp cho người thân của Chủ tịch xã ở Quảng Nam đang gây xôn xao dư luận. Ảnh: Nguyên Sắc.

Muốn dân thoát nghèo, phải chấm dứt hiện tượng gà vịt, dê giống "đi lạc" vào nhà quan

Thanh Hải LDO | 10/01/2024 06:01

Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Lê Văn Dũng vừa chỉ đạo huyện Hiệp Đức xác minh thông tin vụ “gà giống dự án hỗ trợ cho người nghèo lại cấp cho người thân Chủ tịch xã”, đang gây xôn xao dư luận.

Ông Dũng yêu cầu lãnh đạo huyện Hiệp Đức kiểm tra khách quan, nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm, tránh hậu quả đánh mất niềm tin trong dân.

Năm 2023, xã Bình Lâm được hỗ trợ 3.000 con gà giống để cấp cho dân nghèo. Dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia ở Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.

Trong số 10 hộ được chọn cấp gà giống, có 2 trưởng thôn và nhà chị dâu của Chủ tịch UBND xã Bình Lâm, nên bị đàm tiếu là cấp không đúng "địa chỉ".

Chuyện gà, dê, bò giống... thuộc các dự án cấp cho hộ nghèo nhưng "đi lạc" vào nhà quan không hiếm, từng xảy ra ở Thanh Hóa, Khánh Hòa, Cao Bằng và ngay tại huyện Quế Sơn của Quảng Nam... Dư luận dậy sóng là bởi quá ê chề trước thông tin ngày càng nhiều cán bộ tiêu cực, tham ô, nhận hối lộ cả trăm tỉ đồng, bị truy tố, xử lý kỷ luật. Dân còn thất vọng, khinh bỉ bởi hành vi bớt xén, có dấu hiệu tư lợi cả những suất hỗ trợ cho người nghèo, vốn giá trị quá nhỏ như con gà, con vịt.

Chủ tịch UBND xã Bình Lâm lý giải, mình không trực tiếp xét, cấp cho các đối tượng hộ nghèo vì đang thời gian đi học. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo hỗ trợ rất nhiều cho địa phương, kéo dài nhiều năm. Ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, việc hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi... đến dân đã tổ chức nhiều đợt. Riêng năm 2023, xã đã chi hơn 1 tỉ đồng. Vì vậy, nhiều hộ nghèo hơn đã được xét chọn trước. Các hộ cận nghèo thì xét sau, giá trị hỗ trợ thấp hơn, như mấy con gà giống này, 3 hộ bị dư luận nghi ngờ đều đúng đối tượng.

Quảng Nam sẽ kiểm tra, "minh oan" nếu ông Chủ tịch xã Bình Lâm không tư lợi, làm sai. Nhưng câu chuyện cho thấy những tiểu dự án giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia rất kém hiệu quả, thiếu bền vững.

Nhiều xã ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đang "nóng" trên báo Lao Động với câu chuyện cấp bò giống cho hộ nghèo, nhưng toàn bò gầy trơ xương, lại cao gấp 2-3 lần giá trị thực. Dân từ chối, xã trả lại bò dự án thì huyện không nhận...

Vì vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 dù hơn 2/3 quãng đường, nhưng nhiều tỉnh ở Tây Nguyên, miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc vẫn chỉ giải ngân được 17%-40%.

Ngoài vướng mắc về cơ chế chi tiền, các hướng dẫn thiếu chi tiết, nhiều quy định chồng chéo... thì trở ngại lớn nhất vẫn là cán bộ cơ sở. Muốn dân giảm nghèo, trước mắt cán bộ dự án, cán bộ thôn, xã phải "sạch". Phân bổ dự án phải công tâm, đúng đối tượng.

Giảm nghèo bền vững, nghĩa là phải xây dựng được các dự án phù hợp, sát thực tiễn thì mới phát huy hiệu quả. Việc cấp mấy con vịt gầy có giá ngang vịt thịt, ngan trưởng thành ngoài chợ, hay hỗ trợ bò gầy quỵ ngã mà giá gấp 2-3 lần thị trường, khiến dân không dám nhận như ở Điện Biên thì không biết đến bao giờ các chương trình mục tiêu quốc gia mới về đích.

Vì vậy, chuyện dù bé như con gà giống, nhưng người đứng đầu tỉnh Quảng Nam đã lập tức chỉ đạo là vì muốn làm rõ sự thật, củng cố niềm tin trong dân. Góp phần chấn chỉnh các hoạt động triển khai dự án, để chương trình mục tiêu quốc gia sớm về đích, hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn