MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà ở xã hội dành là mối quan tâm của người dân. Ảnh: PHAN ANH

Muốn đạt 35.000 căn nhà ở xã hội, thủ tục phải rút xuống dưới 100 ngày

Lê Thanh Phong LDO | 01/02/2023 11:45

Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đặt mục tiêu nhà ở xã hội là 35.000 căn, tương đương 2,5 triệu m2 sàn, cao gấp 2 - 3 lần giai đoạn 2016-2020.

Nhưng xin lưu ý, thực hiện Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2016-2020, nhà ở xã hội chỉ có 15.000 căn, đạt 69% chỉ tiêu.

Đề ra mục tiêu thì nhiều, nhưng đạt tỉ lệ rất thấp, đó chính là vấn đề lớn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, trong đó doanh nghiệp kêu nhất là thủ tục. Các cơ quan nhà nước quá rề rà, chậm chạp, rất mệt mỏi, doanh nghiệp chán nản, ngại tham gia.

Nhận thấy được hạn chế do thủ tục, thành phố đã có những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Cụ thể là rút ngắn quy trình, thủ tục đầu tư từ 345 ngày xuống còn 153 ngày đối với dự án nhà ở xã hội có nguồn gốc đất tư nhân. Đây là một bước cải cách rất đáng ghi nhận, nhưng theo ý kiến của đa số doanh nghiệp và các chuyên gia, vẫn còn quá nhiều thứ rườm rà, kéo dài cần cắt bỏ để rút ngắn xuống dưới 100 ngày.

Việc rút ngắn thời gian làm thủ tục không chỉ là đem lại lợi ích về thời gian, mà cho nhà đầu tư thấy quyết tâm của chính quyền trong việc triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội, sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư.

Cho nên, TPHCM cần nghiên cứu để bỏ bớt các khâu không cần thiết, khai thác các ứng dụng công nghệ thay cho thủ công.

Ngoài việc rút ngắn thời gian làm thủ tục, còn có những hỗ trợ khác, phải nhanh chóng, hiệu quả, thì các dự án nhà ở xã hội mới sớm trở thành hiện thực.

Trong bài "Xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội: Tăng ưu đãi, miễn giảm thuế để hút doanh nghiệp tham gia" ra ngày 1.2, Báo Lao Động thông tin, theo Bộ Xây dựng, trong thời gian vừa qua, đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, bảo đảm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp...

Các chính sách rất hấp dẫn, nhưng quan trọng nhất là ở chỗ thực hiện. Nếu doanh nghiệp đụng phải một rừng thủ tục mới tiếp cận được các lợi ích từ chính sách thì chẳng còn gì lợi ích.

Đưa ra cam kết rút ngắn các thủ tục nhưng có thực hiện đúng hay không mới là điều quan trọng.

"Trên bảo dưới không nghe" vẫn còn là căn bệnh trầm kha trong hệ thống hành chính công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn