MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi người Australia. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

Muốn giữ chân người bệnh không ra nước ngoài thì phải “nâng cấp" niềm tin

Hoàng Văn Minh LDO | 20/12/2023 17:37

“Nâng cấp” niềm tin, đó là giải pháp khả thi nhất để “ngăn chặn” tình trạng mỗi năm, người Việt vẫn chi 2 tỉ USD ra nước ngoài để khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế đã đưa mục tiêu thay đổi về phân bổ ngân sách và đầu tư để giữ chân những người bệnh giàu có ở lại điều trị trong nước. Đồng thời thu hút nửa triệu người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam, thay vì di chuyển sang các nước trong khu vực hoặc về nước.

Sự thay đổi này, trước hết là nhắm đến thay đổi con số thống kê cho biết hiện mỗi năm, người Việt vẫn chi 2 tỉ USD ra nước ngoài để khám, chữa bệnh.

Đây là mục tiêu hấp dẫn và có tính khả thi bởi 2 tỉ USD mỗi năm là con số “chảy máu” quá lớn, trong khi về lý thuyết cho thấy, nền y tế của chúng ta không phải là không có cơ hội để giữ lại con số này.

Thật ra không phải bây giờ mà từ gần 20 năm trước, câu chuyện người Việt chi rất nhiều tiền ra nước ngoài khám chữa bệnh đã là một chủ đề thời sự nóng.

Và cũng từ thời điểm ấy, Bộ Y tế đã nhiều lần báo động, đề ra nhiều giải pháp để giữ chân người bệnh ở lại điều trị trong nước. Tuy nhiên kết quả vẫn là các con số thống kê năm sau luôn cao hơn năm trước.

Nguyên nhân nằm ở đâu?

Trước hết phải rạch ròi, 2 tỉ USD là con số rất lớn. Nhưng số người bệnh phải bỏ ra 2 tỉ USD để ra nước ngoài khám chữa bệnh hàng năm chỉ là con số rất nhỏ thuộc về giới thượng lưu, so với tỉ lệ dân số.

Họ sẵn sàng chi nhiều tiền ra nước ngoài, chủ yếu là Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… khám chưa bệnh, trước hết là vì “cấp độ” niềm tin của họ đối với y tế trong nước vẫn chưa được cao. Dù nhiều năm qua, ngành y tế đã có rất nhiều nỗ lực để cải thiện.

“Cấp độ” niềm tin, trước hết đến từ việc mặc dù chất lượng khám, chữa bệnh cũng như các bác sĩ Việt Nam bây giờ trình độ chuyên môn cao, làm chủ nhiều kỹ thuật phức tạp ngang tầm thế giới (sử dụng robot, phẫu thuật nội soi, ghép tạng…). Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể sánh ngang với các nước vừa kể ở một số lĩnh vực chuyên sâu đặc thù, đặc biệt là về phương tiện, thiết bị khám chữa bệnh hiện đại.

“Cấp độ” niềm tin đến từ y đức, thái độ tư vấn, khám, điều trị của một bộ phận từ bác sĩ cho đến nhân viên trong hệ thống y tế các cấp. Cũng như từ chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế các tuyến, khi chúng ta vẫn chưa có những bệnh viện 5 sao đúng nghĩa, để trước hết phục vụ cho người bệnh có tiền ở trong nước.

Trình độ khám chữa bệnh của chúng ta có thể nói là ngang bằng với các nước trong khu vực, trong khi chi phí lại thấp hơn. Nhưng một bộ phận người dân có tiền vẫn chấp nhận ra nước ngoài khám chữa bệnh với chi phí cao hơn là một nghịch lý, là "vết đau" khó chấp nhận của ngành y tế.

Cho nên mục tiêu thay đổi về phân bổ ngân sách và đầu tư cũng như để giữ chân những người bệnh giàu có ở lại điều trị trong nước cần phải thực hiện song hành với việc "nâng cấp" niềm tin cho người dân.

Và các mục tiêu này phải được thực hiện bài bản và quyết liệt. Trước hết vì chính uy tín của ngành y tế, sau đó mới là con số số 2 tỉ USD “chảy máu” ra nước ngoài mỗi năm!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn