MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Muốn nâng cao năng suất lao động phải có sự đột phá về khởi nghiệp sáng tạo

Lê Thanh Phong LDO | 24/05/2024 06:44

Năng suất lao động của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, còn đối với các nước phát triển ngoài khu vực thì còn khoảng cách xa hơn. Đó là thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận để có giải pháp cải thiện, không để tụt hậu kéo dài thêm nữa.

Các chuyên gia đã phân tích nguyên nhân năng suất lao động thấp, đó là nhiều ngành sản xuất kinh doanh sử dụng lao động tay nghề thấp, không đòi hỏi nhiều chất xám, ít hàm lượng công nghệ. Quan sát thực tế sẽ thấy rõ, nhiều nhà máy thu hút hàng chục nghìn lao động, nhưng không có kỹ năng cao, chưa kể lực lượng lao động thời vụ chiếm tỉ lệ không nhỏ trên thị trường lao động.

Việt Nam có hệ thống trường đào tạo nghề, nhưng chất lượng đào tạo thấp, người tốt nghiệp ra trường không được doanh nghiệp sử dụng, hoặc không thể hiện được tay nghề, sự lành nghề đủ sức thuyết phục thị trường.

Vậy thì giải pháp để nâng cao năng suất lao động là gì?

Cha ông nói “không thầy đố mày làm nên” - ở đây cần hiểu theo nghĩa là phải có đào tạo tốt thì mới có thợ giỏi. Cho nên, trước hết phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở các trường nghề. Khi mà trường nghề cho ra lò công nhân kỹ thuật lành nghề, hội nhập được với thị trường lao động chất lượng cao, thì khi đó phụ huynh không cần phải đeo đuổi tấm bằng đại học cho con mình mà sẵn sàng tìm trường nghề như một lựa chọn khôn ngoan.

Muốn nâng cao năng suất lao động ngang hàng với các nước tiên tiến, cần phải có sự đột phá bắt đầu từ cộng đồng khởi nghiệp. Nhiều công ty công nghệ tham gia thị trường, thu hút lực lượng lao động có hàm lượng chất xám cao. Khởi nghiệp, sáng tạo sẽ thúc đẩy cộng đồng thay đổi nhận thức, giới trẻ chủ động học tập các ngành nghề phù hợp với thời đại, chất lượng lao động từ đó được nâng cao.

Trên khắp cả nước có nhiều trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, các địa phương triển khai nhiều chương trình khởi nghiệp. Đó là cái vỏ bên ngoài, nhưng chỉ khi có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công thì mới kéo theo sự thay đổi về năng suất lao động.

Chúng ta cũng hô hào nhiều về “make in Việt Nam”, nhưng chỉ khi tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ có giá trị thì năng suất lao động mới vượt lên “top” đầu khu vực.

Việt Nam định hướng chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế số thì phải tạo ra không gian cho doanh nghiệp tham gia, trong đó có nguồn vốn để nhập khẩu công nghệ, có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu.

Khi phát triển được các lĩnh vực kinh tế này thì năng suất lao động sẽ có sự chuyển biến tích cực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn